Dấu ấn Quasa

CSVN – Cũng đã lâu tôi mới có dịp quay lại Quasa (Công ty CP Cao su Quasa Geruco ở Savanakhet – Lào), nhớ lại ngày ấy khi công ty đang đầu tư trồng mới khai hoang với bao ngổn ngang công việc. Thế mà bây giờ, trở lại khi cây cao su đưa vào khai thác được mấy năm mà cuộc sống và con người ở đây đã đổi thay thật ấn tượng.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Phó TGĐ VRG trao thưởng tại Hội nghị NLĐ công ty năm 2020. Ảnh: Minh Nhật
Ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ VRG trao thưởng tại Hội nghị NLĐ công ty năm 2020. Ảnh: Minh Nhật
Đời sống người dân đổi thay từng ngày

Anh Lê Chí Hoàng – TGĐ và anh Phạm Trường Sang – Phó TGĐ công ty tay bắt mặt mừng, khoe luôn: Năm 2019, công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 7.500 tấn mủ. Doanh thu, lợi nhuận đều vượt, thu nhập, đời sống NLĐ ổn định. Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng năm 2020 công ty có cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ Tập đoàn giao.

Dù đang là mùa khô, cao điểm nắng nóng, những diện tích của một số vùng da beo, xen lẫn lùm bụi, triền hợp thủy dễ xảy ra cháy lan ảnh hưởng vườn cây, nên toàn thể CB.CNV của nông trường đều xuống lô trực chống cháy. Trụ sở làm việc và dãy nhà tập thể đều vắng bóng người.

Tôi ghé vào đội 1, gặp Đội trưởng Nguyễn Văn Thọ – dáng người nhỏ, sinh năm 1985, quê Quảng Trị, anh cho hay: “Đội 4 có 348 ha khai thác, 19 ha KTCB, toàn bộ 51 lao động là người Lào tại địa phương. Trước đây công nhân người Lào do không nắm vững yêu cầu kỹ thuật của cao su nên họ sợ không đáp ứng được công việc. Nhưng sau vài năm được sự kiên trì hướng dẫn của lãnh đạo các cấp, sự nỗ lực của bản thân nên họ quen dần công việc, đi làm sớm đúng quy định, không bỏ cạo dù ngày mưa. Ý thức tự giác nâng cao, đáp ứng được yêu cầu cả về tay nghề, kỷ luật lao động của nông trường cũng như công ty.

Theo anh Thọ, năm 2019, một cơn lốc bất ngờ đã làm gãy đổ 25.000 cây cao su, nhìn vườn cây ngổn ngang mà quặn lòng. Nhưng với quyết tâm phấn đấu đạt kế hoạch 600 tấn mủ nông trường giao, cứ 3 giờ sáng công nhân lại ra lô cạo trên 600 cây/phần, thực hiện chế độ cạo D4, để mủ đông tại chén. Khi trút mủ thì không khí vườn cây rộn ràng lắm, ai cũng hào hứng phấn khởi. Do sản lượng mủ để đông tăng nên không thể chở về hết bằng xe máy trong một chuyến, hơn nữa lại rất khó di chuyển trong mùa mưa. Vậy là bà con đã mua xe tuktuk, toàn nông trường có trên 100 chiếc do công nhân tự mua để chuyển mủ về địa điểm đội.

Anh Thọ còn cho biết thêm, hầu hết các đội của NT đều đạt năng suất trên 1,8 tấn/ha. Như đội 4, năng suất lao động của công nhân tăng khá. Năm 2019, bình quân 11,7 tấn/lao động, nhờ vậy thu nhập tiền lương được đảm bảo, lương bình quân trên 7,7 triệu/ người/tháng. Cá biệt có công nhân Khăm Lả đạt sản lượng cao nhất, đạt 14,96 tấn, tổng lương cả năm nhận gần 33 triệu kip (82 triệu VND), nhờ vậy mà đời sống khá lên, mua sắm những dụng cụ, phương tiện sinh hoạt gia đình có giá trị.

Ông Phó Chủ tịch huyện Phìn Keovisay, hào hứng nói riêng với tôi: Huyện Phìn là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh, từ ngày có Công ty Quasa đến đầu tư đã kéo theo các nhà đầu tư khác về huyện nhà. Hiện nay trồng thêm hàng chục ngàn ha cao su ngoài hơn 6.000 ha của công ty. Tuy giá mủ không cao nhưng cuộc sống người dân đã đổi thay, tốt lên từng ngày, nhờ vậy mà huyện Phìn cũng thay đổi, không còn nghèo nàn lạc hậu như trước.

Đội Sê Pôn gần nhà máy chế biến có 440 ha cao su khai thác, trong đó một số diện tích xen lẫn không thích hợp với tăng trưởng cây cao su nhưng khoảng 290 ha vẫn có năng suất 2,33 tấn/ha. Nhờ quản lý tốt nên đội còn vượt KH 792/770 tấn công ty giao. Năng suất lao động của đội cũng cao nhất toàn công ty, bình quân trên 16 tấn/công nhân. Năm 2019, thu nhập trên 100 triệu đồng/người là bình thường, số cây cạo/phần của công nhân ở đây cũng cao nhất công ty từ 800 – 900 cây/phần cây cạo. Giống chủ yếu là RIV 4 và Pb 260.

Vậy năng suất lao động cao là yếu tố quan trọng để NLĐ có thu nhập cao, ổn định đời sống, giữ chân và thu hút lao động ở vùng khan hiếm lao động như huyện Phìn đã có lời giải tại Công ty Quasa. Đó cũng là dấu ấn khi bối cảnh chung của tình hình đời sống, thu nhập lao động trong giai đoạn giá thấp như hiện nay.

“Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ thực tế vườn cây. Thực tế Quasa có nhiều khó khăn, nhất là chất lượng vườn cây có đến 1.000 ha sinh trưởng kém thuộc loại C-D. Vườn cây lại không liền vùng liền thửa, các nông trường, đội xa nhau. Đòi hỏi mất rất nhiều công sức cho quản lý bảo vệ phòng chống cháy. Thời điểm mở cạo lại rơi vào những năm giá cao su xuống thấp tưởng chừng khó vượt qua”, anh Sang chia sẻ.

Công nhân NT 1 dùng xe công nông chở mủ về đội
Công nhân NT 1 dùng xe công nông chở mủ về đội
Đột phá trong phương án trả lương

TGĐ Hoàng cho biết thêm, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, vận động thường xuyên, thì phải có giải pháp đột phá trong phương án trả lương để NLĐ dễ thực hiện, gắn họ với kĩ thuật sản lượng, kích thích vươn lên phấn đấu dù vườn cây loại A-B hay C-D.

Trước hết chia tiền lương thành hai khoản; khoản thứ nhất tạm gọi là phần cứng. Phần này công ty  trả 25.000 kíp/công khi NLĐ lên lô khai thác và trút mủ chén. Khoản thứ hai được gọi là phần mềm, trả cho công nhân trên sản phẩm thu được trong tháng là 1.600 đồng/kg nếu tay nghề loại A, 1.500 đồng/kg trên tay nghề loại B, 1.400 đồng/kg nếu tay nghề loại C. Như vậy họ có sản lượng cao gắn với tay nghề kĩ thuật họ mới có tiền lương cao.

Cách trả lương này có một số ưu điểm cho những đơn vị đặc thù như Quasa. Thứ nhất khi mới vào mùa cạo, sản lượng không cao thì phần cứng đủ đáp ứng cuộc sống hàng ngày cho NLĐ. Nên dù sản lượng chưa nhiều họ vẫn không bỏ cạo, không bỏ trút mủ, lại đảm bảo ngày công. Khi sản lượng tăng, cộng với phần mềm và tùy sản lượng tay nghề từng người mà có thu nhập tương ứng. Đơn giá này không cao vì phải san sẻ cho vườn cây C-D, quan trọng nhất là được nông trường công khai minh bạch định mức cho từng vườn cây, từng công nhân hàng tháng và cả năm tỉ mỉ, rõ ràng.

Với cách trả lương này, năm 2019 công ty đã phát huy tối đa hệ thống quản trị của nông trường và đội. Thiết nghĩ, có thể coi đây là một sáng kiến trong công tác quản lí, xứng đáng đề nghị tặng danh hiệu Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Chia tay tôi với cái bắt tay thật chặt, anh Hoàng tin tưởng: “Công ty Quasa tương lai khi xử lí được vườn cây 1.200 không hiệu quả, khi xây dựng xong mô đum 2 nhà máy chế biến mủ (nay đã quá tải), coi như vừa sản xuất hiệu quả lại vừa thu mua trong vùng tiềm năng nguyên liệu thì sản lượng công ty cũng khá hơn và đời sống NLĐ cũng sẽ tốt hơn nhiều”.

Tạm biệt Quasa – một miền cao su tuy mới trên đất bạn, họ đang chờ một vài cơn mưa nữa là đi vào vụ mùa khai thác mới. Với tập thể NLĐ công ty, thì họ coi đây là quê hương thứ hai và dù khó khăn vất vả, dù phải xa Tổ quốc nhưng chính những việc làm và công sức của họ đã làm cho quê hương đất nước gần hơn. Cao su Quasa đã trưởng thành và lớn lên cùng sự phát triển mạnh mẽ của VRG.

MINH ANH