CSVN – Trong tham luận được đọc tại Hội nghị kỷ niệm 100 năm di nhập cây H.B vào Indonesia tháng 12 năm 1976, ông H. Von Saher thuộc Rubber Foundation – Halan cũng đã xác nhận: “Những hạt cao su đầu tiên nhập từ Malaysia là 35 hạt mà ông Tổng lãnh sự Halan tại Penang gửi cho Vườn thực nghiệm Bogor. Chính những cây cao su này đã trở thành cơ sở của việc phát triển cao su ở Indonesia”.
>> Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam (kỳ 2)
Ở đây chúng tôi xin nhắc lại một số điểm (đã trình bày ở trong quyển “Cao su thiên nhiên thế giới”) để bạn đọc tiện theo dõi phần thảo luận này về nguồn gốc cao su Việt Nam.
Ngày 8/8/1876, Vườn thực vật Hoàng Gia Kew gởi 1919 cây cao su con cho Ceylan, sống 90%, ngày 30/8/1876 gửi 18 cây cho Vườn Thực nghiệm Bogor, chỉ còn sống 2 cây và 50 cây cho Vườn thực vật Singapore; rủi thay các cây cao su này bị bỏ quên ở bến cảng và chết hết. Ngày 11/6/1877, Vườn thực vật Hoàng gia Kew lại gửi tiếp cho Singapore 22 cây cao su con – 9 cây trong số 22 cây này được mang về trồng trong vườn Kuala Kangsar của ông Lãnh sự Anh ở bang Perak (Malaysia). Năm 1880 một cây trong số này trổ hoa, sớm hơn các cây cao su của Ceylan. Từ năm 1882, các hạt cao su của vườn Kuala Kangsar được ông lãnh sự Anh gởi cho nhiều nơi như Ấn Độ, Singapore và cả Ceylan (Wright). Năm 1882, ông Tổng lãnh sự Hà Lan tại Penang nhận được 35 hạt cao su của vườn Kuala Kangsar và gửi cho Vườn Thực nghiệm Bogor ươm được 33 cây.
Theo sự xác nhận của ông Bouychoou thì hạt giống cao su do phái đoàn Raoul gửi về Sài Gòn là lấy từ Vườn Thực nghiệm Bogor, tức là hạt của 33 cây cao su, hậu duệ F1 của các cây của vườn Kuala Kangsar và cũng là hậu duệ của 22 cây do Vườn thực vật Singapore nhận của Kew tháng 6 năm 1877.
Trong công tác chọn giống, triển khai ở Trạm Ông Yệm, người ta tìm được một dòng vô tính tốt, đặt cho cái tên Ông Yệm 1 (OY1). Về dòng vô tính này ông Bouychou viết như sau: Dòng vô tính OY1, chọn từ trạm thí nghiệm Ông Yệm, gần Bến Cát, trong quần thể các cây ươm từ hạt do ông Raoul và Lemarie mang về từ Batavia. Tất cả mọi việc đều chứng minh rằng các hạt cao su này lấy trong Vườn Thực nghiệm Bogor. Như vậy dòng vô tính OY1 có chung một nguồn gốc với 33 cây trồng năm 1882 trong Vườn thực nghiệm Bogor và với 9 cây của vườn Kuala Kangsar”.
Gần đây nhất, ông Christophe Bonneuil trong luận án tiến sĩ lịch sử khoa học, bảo vệ tại Universite Paris VII, tháng 5 năm 1996, đã tìm hiểu về ông E.Raoul và viết: “Ông thực hiện 2 đợt công tác liên thuộc địa vào các năm 1886 – 1888, nhằm trao đổi hạt giống và cây trồng giữa các thuộc địa Pháp trong vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ông tham gia xây dựng Vườn thực vật Papeete và Vườn thực vật Sài Gòn, trong các chuyến đi sang Úc, Tân Tây Lan; tiếp đó năm 1898, ông đến Sumatra để tìm giống cao su và giống cây gutta percha cho các thuộc địa Pháp.
Ông C.Bonneuil cũng xác định nguồn gốc Nam Dương (Origine Indonesienne) của hạt cao su do ông Rauol gửi về Sài Gòn năm 1897: “Trong lúc cao su trải rộng từ Ceylan đến Malaysia, dược sĩ E. Raoul trong các chuyến đi công tác trong một số vùng ở Viễn Đông, năm 1897 đã gửi vài ngàn hạt từ Indonesia về cho vườn thực vật Sài Gòn, do ông C.Haffner lãnh đạo”.
Chúng tôi cho rằng hạt cao su do ông Raoul gửi về Sài Gòn năm 1897 là lấy từ vườn thực nghiệm Bogor (Batavia).
T.S (trích từ sách “100 năm cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh)
Related posts:
- Những bức ảnh còn mãi theo thời gian
- Nét độc đáo ngôi chùa Tổng thống Obama ghé thăm
- Dòng nhựa trắng chảy mãi với thời gian
- "Nhiếp ảnh gia" ngành cao su
- Công ty CPCS Phước Hòa đang dẫn đầu sau 3 phần thi
- Cơ cấu sản xuất và các chuyển biến lớn
- Đoàn Chư Păh giành giải nhất chương trình
- Lan tỏa tình yêu với sách
- Bình luận của độc giả trên báo điện tử: Không thể là "vườn hoang"
- Công nhân cao su năm Ất Mùi 1955: Kiên trì đấu tranh, củng cố hòa bình