Công nhân cao su năm Ất Mùi 1955: Kiên trì đấu tranh, củng cố hòa bình

CSVN Xuân – Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ buộc Chính phủ Pháp ký Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954. Đất nước ta tạm chia làm hai miền. Trước tình hình đó, công nhân cao su cùng với các tầng lớp nhân dân cả nước đã tin theo sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ.
Công nhân cao su tham gia học trường Quân chính khu 7. Ảnh tư liệu
Công nhân cao su tham gia học trường Quân chính khu 7. Ảnh tư liệu

Tết Ất Mùi 1955, ta tổ chức nhiều cuộc mít tinh mừng hòa bình, tuyên truyền Hiệp định Giơnevơ. Tại các cuộc mít tinh này, cán bộ đã tổ chức rộng rãi cho nhân dân học tập Hiệp định Giơnevơ và nói rõ tình hình, nhiệm vụ giai đoạn mới. Đồng thời phổ biến nội dung Hiệp định Giơnevơ cho cán bộ, Đảng viên và cơ sở cốt cán được bố trí ở lại, kiện toàn cán bộ các huyện, thị xã, đưa Đảng viên về bám cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng.

Song song với các cuộc mít tinh, biểu tình đòi đế quốc Mỹ thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ, công nhân cao su còn đấu tranh dân sinh, dân chủ. Tiêu biểu cho phong trào này, tháng 2/1955, hơn 5.000 công nhân cao su Dầu Tiếng biểu tình đòi chủ đồn điền Pháp tăng lương từ 20% đến 50%, chống cúp phạt vô lý, bớt mức khoán, ngày làm 8 giờ, ở sạch, nước uống vệ sinh… Cuộc đấu tranh giằng co tiếp diễn nhiều đợt, cuối cùng chủ người Pháp phải hứa sẽ giải quyết các yêu sách trên.

Tại tỉnh Biên Hòa, đầu năm 1955, hàng chục cuộc đấu tranh của công nhân cao su đòi dân sinh dân chủ ở các đồn điền trong tỉnh. Và đến giữa năm 1955 đã trở thành cao trào đấu tranh chính trị sôi động. Từ tháng 6 năm 1955, cùng với nhân dân Biên Hòa, công nhân cao su đã gửi bản kiến nghị, đến trụ sở Ủy hội quốc tế đấu tranh, bày tỏ nguyện vọng chính đáng của đồng bào.

Đặc biệt, trong ngày Quốc tế Lao động 1/5/1955, hàng chục ngàn công nhân từ các đồn điền cao su ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một được tổ chức thành đội ngũ chỉnh tề kéo về Sài Gòn phối hợp với công nhân cao su miền Đông biểu tình, thị uy, đưa bản “Cộng đồng khế ước cao su Việt Nam” với 16 yêu sách buộc chính quyền Diệm, các chủ sở và đại diện công nhân ký vào văn bản. Đây là thắng lợi lớn của phong trào công nhân cao su miền Đông Nam Bộ trong năm Ất Mùi.

Tại Thủ Dầu Một, Tỉnh ủy chủ trương tập trung vào nghiệp đoàn lao công, đấu tranh, buộc nghiệp đoàn phải tổ chức bầu cử dân chủ, cứ 300 đến 500 công nhân có một đại diện, qua đó đưa vào cán bộ công đoàn của ta để tập hợp lãnh đạo công nhân đấu tranh. Hầu hết các làng sở trong các đồn điền cao su từ Lộc Ninh đến Hớn Quản, Dầu Tiếng, Phước Hòa, ta đều đưa được đại biểu công nhân vào ban lãnh đạo tổ chức nghiệp đoàn lao công như Trần Văn Lưu (làng 2), Năm Hải (làng 10), Tám Kiển (làng 18), Sáu Dân (làng 22 – Dầu Tiếng); Ba Trụ, Sáu Khánh, chị Chín Ánh sở Phước Hòa. Tại tỉnh Biên Hòa có đồng chí Đoàn Công Trợ ở đồn điền Ông Quế…

Ng. Cường (trích Lịch sử phong trào đấu tranh công nhân cao su)