CSVN – Đội văn nghệ Công ty CPCS Đồng Phú không “giấu bài” tại Hội diễn “Tiếng hát công nhân cao su” khu vực 5 vào tháng 10 sắp tới, khi chia sẻ “hàng độc” là những điệu múa uyển chuyển đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao của những cô gái người H’Mông ở Nông trường (NT) Tân Thành.
Đội văn nghệ của những cô gái người H’Mông gồm 8 thành viên, có tuổi đời khá trẻ, từ 18 – 26 tuổi. Hj Phun – đội trưởng của nhóm, cho biết: “Tụi mình đều ở bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vào làm công nhân (CN) cao su ở NT Tân Thành. Mình lớn tuổi nhất nhóm và cũng nói rành tiếng Việt nên làm đội trưởng, chứ các em mới vào chưa nói được tiếng Việt. Mình vào làm CN khai thác ở tổ 7, đội 3, NT Tân Thành được 6 năm rồi”.
Hj Phun và các bạn trong đội văn nghệ đều đang ở làng CN của NT Tân Thành. Hiện NT có gần 80% lao động thuộc 11 dân tộc thiểu số. Đồng bào vùng cao quan niệm rằng: “Không xòe thì như mây không bay/ không xòe thì như nước suối ngừng chảy/ không xòe không tốt lúa/ không xòe thóc cạn bồ/ không xòe trai gái không thành đôi…”. Múa khèn là múa dân gian dân tộc H’Mông trong các cuộc vui, trong hội hè có tinh thần thượng võ, tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, nhanh nhẹn, khéo léo, tài hoa. Chính vì vậy, cộng đồng người H’Mông ở Tân Thành vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống. Trong tiếng khèn, mỗi điệu múa, những vòng xoay của điệu xòe, điệu khắp đều chứa đựng tình cảm, tâm hồn và cốt cách của người H’Mông miền tây tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, giới trẻ không mấy mặn mà với âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, đối với các bạn trẻ người H’Mông, họ vẫn hát những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình và trong đó tiếng khèn vẫn vang lên trên những bản làng có người H’Mông sinh sống… Bất cứ người H’Mông nào cũng đều coi cây khèn như một báu vật thiêng liêng. Đàn ông trưởng thành thường sắm một vài cái khèn, nhỏ to tùy lúc vui hay buồn đều đem ra thổi. Tiếng khèn du dương trong những ngày hội Xuân, lúc rỗi việc nương rẫy.
Vừ Y Sènh – cô gái múa giỏi nhất nhóm, chia sẻ: “Tụi mình ở trong làng CN rất vui! Nhiều lúc nhớ nhà nhớ quê lắm, tụi mình chỉ biết múa hát cho đỡ nhớ. Mỗi năm mình về quê một lần, gần Tết là NT cho xe đưa tụi mình về tận Nghệ An, qua Tết xe lại đón vào Nam. Hầu như tối nào rảnh rỗi, sau khi cơm nước xong là tụi mình tập các bài văn nghệ. Thấy tụi mình múa hay, nên nông trường, công ty và địa phương cứ có dịp là mời biểu diễn. Tiết mục nhóm mình hay biểu diễn là múa Hương sắc vùng cao”.
Bên cạnh những điệu múa uyển chuyển nhịp nhàng thì những câu hát du dương làm say đắm lòng người cũng để lại ấn tượng đối với người xem. Bởi tất cả các khúc hát của người H’Mông đều diễn tả các cung bậc tình cảm của con người trước thiên nhiên tươi đẹp. Đồng thời mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc, nói lên ước vọng một cuộc sống bình yên, làm ăn thuận lợi, mọi người, mọi nhà đều có đủ cơm ăn, áo mặc. Những câu hát ấy đã cùng họ lớn lên, cùng họ trưởng thành và nuôi dưỡng tâm hồn của những cô gái, những người phụ nữ dân tộc H’Mông chất phác, giản dị.
Váy áo xúng xính rực rỡ màu sắc, Jia Y Phua cười tươi: “Váy áo này bọn mình mang tận ngoài quê vào đó, ở đây không có đâu. Mỗi lần mặc bộ đồ này mình vui lắm! Được làm CN cao su và được múa hát là hạnh phúc của mình. Ngoài quê mình nghèo lắm, cuộc sống khó khăn, suốt ngày làm việc ngoài nương rẫy mà vẫn thiếu ăn thiếu mặc”. Tiếng khèn ngân vang cùng những điệu múa nhịp nhàng hòa trong tiếng nhạc du dương của những cô gái người H’Mông ở Cao su Đồng Phú khiến ai xem cũng sẽ nhớ mãi! Tiếng nhạc, điệu múa ấy thể hiện tình yêu quê hương, dân tộc và tinh thần hăng say lao động để đón nhận cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Huệ Văn
Related posts:
- 17 đơn vị tham gia Hội thi Tiếng hát CN Cao su khu vực IV
- Cao su Bình Long thi ca khúc cách mạng kỷ niệm thành lập Đoàn
- 1.332 bài dự thi Cuộc thi viết 85 năm
- Du Xuân theo ý thích
- Nhớ "ngày hội" báo chí ở đất Sài Thành
- Lo ngại về sách dành cho trẻ em
- Cao su Dầu Tiếng nhất toàn đoàn Hội thao Khu vực V
- Hội thao là sân chơi thực chất của người lao động VRG
- Nơi lưu giữ nhiều hiện vật về cao su
- Cao su ở bảo tàng và mơ ước một bảo tàng cao su