“Vàng trắng” thấm tình yêu, tình người

CSVN – Được cho là một đề tài “khô” nhưng với cách kể chuyện rất riêng, chân thực, bộ phim Vàng trắng nhận được sự quan tâm sâu sắc của khán giả, đặc biệt là những người công nhân cao su.
Một cảnh trong phim Vàng trắng
Một cảnh trong phim Vàng trắng
Đóng đô hơn hai tháng tại nông trường

Lúc đầu phim có tên là Dòng nhựa trắng, tuy nhiên sau đó nhà sản xuất quyết định đổi tên phim thành Vàng trắng. Theo lời của chị Nguyễn Thị Trúc Mai – Giám đốc M&T Picture – đơn vị sản xuất thì: “Dòng nhựa trắng của cao su được ví như “vàng trắng” bởi không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà trong đó thắm đượm tình người, tình yêu và các giá trị truyền thống tốt đẹp. Dòng vàng trắng ấy đã kết nối bao thế hệ, cùng nhau chung tay làm giàu đẹp quê hương đất nước. Không đơn thuần là giới thiệu một ngành nghề trong xã hội, Vàng trắng đi sâu vào các tình tiết cài cắm tinh vi, logic tạo nên câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn người xem. Phim không cường điệu mà nỗ lực lột tả những mặt chìm – nổi có thể xảy ra tại nông trường để thấy người công nhân không chỉ ngày ngày cần mẫn cạo mủ cao su mà còn có cái nhìn về tương lai, về hạnh phúc gia đình một cách đầy đặn và nhiều khao khát”.

Nhằm bảo đảm tiêu chí sản xuất khắt khe, đoàn phim Vàng trắng phải đóng đô suốt nhiều tháng ròng rã tại Nông trường Bình Ba (Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa), tiền thân là đồn điền Gallia (Pháp) hình thành từ năm 1911, một vùng khá hẻo lánh. Các cảnh quay đêm liên tục, giữa tiết trời tháng chạp lạnh giá và bất kể thời điểm đang diễn ra nhiều lễ hội tưng bừng, các diễn viên vẫn miệt mài, tập trung cao độ trên trường quay ở nông trường. Bộ ba diễn viên Quang Tuấn – Phan Như Thảo – Quách Ngọc Ngoan đã có sự phối hợp ăn ý, ấn tượng dù sau đó cả hai nam diễn viên đều lần lượt đổ bệnh. Riêng Phan Như Thảo sau một thời gian du học ở Singapore song song với việc tận dụng cơ hội tham gia hoạt động phim ảnh tại Indonesia, cô đã thật sự có những bước tiến đáng ngạc nhiên trong lối diễn xuất.

Nồng ấm tình người trên nông trường

Chị Kim Loan – Phó Giám đốc sản xuất cho biết: “Không chỉ diễn viên học cạo mà nhà sản xuất còn linh hoạt chỉnh sửa kịch bản cho phù hợp với thực tế nhất. Trước khi viết kịch bản chi tiết trên giấy, biên tập cũng đã đi và tìm hiểu khá kỹ về đời sống công nhân cao su, về những chế độ chính sách của công ty đối với người lao động, thu mua cao su tiểu điền… Tuy nhiên, khi quay thực tế thì chúng tôi nhận được nhiều đóng góp từ anh chị lãnh đạo Công ty Cao su Bà Rịa và công nhân. Khi thấy diễn viên đối thoại, họ góp ý liền để chúng tôi chỉnh sửa cho phù hợp. Các anh chị công nhân đã nhiệt tình chỉ diễn viên các thao tác trên vườn cây”.

Make up trước giờ bấm máy
Make up trước giờ bấm máy

Để vào vai thì diễn viên cũng phải học cạo mủ như công nhân, Quang Tuấn (vai Đông) được công nhân tại Công ty TNHH MTV CS Bà Rịa hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ. Anh phải thực hành cạo như những người công nhân thực thụ. Hơn hai tháng quay phim, diễn viên và nhà sản xuất đã cùng ăn, cùng ở, cùng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như những công nhân cao su. Hiểu để cảm nhận và nhập vai thật tốt, sinh động và chân thực.

Cùng sống với công nhân chúng tôi mới thấm thía được nỗi vất vả của họ. Để hoàn thành bộ phim, ekip đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của công nhân cao su, càng gần họ càng thấm thía được cái tình người thật quý biết bao. Có lần anh chị em công nhân đã đưa diễn viên đến bệnh viện giữa đêm khi diễn viên bị bệnh. Sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị là hình ảnh đẹp tượng trưng cho toàn ngành cao su. Có thể chúng ta dùng những sản phẩm được làm từ cao su nhưng không hề biết để có những sản phẩm ấy, công nhân phải cực nhọc thế nào, họ ra vườn cây khi mọi người đang yên giấc, vất vả là thế nhưng họ vẫn chuyên tâm làm việc, để dòng vàng trắng mãi là niềm tin của sự bền vững và phát triển – Chị Kim Loan chia sẻ thêm.

Quỳnh Mai