CSVN – Những ngày giữa Đông, chúng tôi về với Công ty CP Cao su Hà Giang. Năm nào cũng vậy, vào dịp này các CBCNV Công ty đều bận rộn hơn với việc chăm sóc các vườn cây, bởi thời tiết ở vùng đất Hà Giang luôn đầy khó khăn, thử thách. Nhưng chính bởi tinh thần lao động hăng say, đoàn kết của mỗi người, giúp cho cây cao su ngày càng đứng thẳng trên đất Hà Giang.
Trao đổi với chúng tôi, các anh Hồ Anh Đức, TGĐ và anh Nguyễn Chí Trường, Phó TGĐ Công ty phấn khởi cho biết, năm 2016, cùng với một số công ty cao su vùng Tây Bắc, Công ty CPCS Hà Giang đã thực hiện cạo thử để đánh giá chất lượng trồng, chăm sóc và sản lượng, chất lượng mủ cao su trồng trên đất Hà Giang. Điều đặc biệt, những vườn cao su cạo thử là những cây cao su đã “vượt cạn” qua đợt rét đậm, rét hại kỷ lục của miền Bắc năm 2010. Đó là thử thách lịch sử với rất nhiều loại cây trồng, trong đó có cả những cây trồng truyền thống.
Từ năm 2008, Hà Giang trồng thử nghiệm gần 10 loại giống cao su tại 2 vườn cao su ở 2 huyện Bắc Quang và Vị Xuyên. Đến năm 2010 và năm 2011 là hai năm có mức độ rét kỷ lục, nhiều giống cao su thử nghiệm trong 2 vườn gần như thiệt hại hoàn toàn, chỉ còn giống IAN 873 là sống sót, còn lại 489 cây. Và điều đặc biệt nữa là những cây sống sót lại thích nghi và có tốc độ phát triển không kém cao su ở miền Đông Nam bộ.
Đó chính là hy vọng để sau 8 năm phát triển, Công ty CPCS Hà Giang đã thực hiện việc cạo mủ thử trên những cây cao su IAN 873 lực lưỡng. Ngày 13/9/2016, Công ty CP Cao su Hà Giang tiến hành mở cạo mủ thử trên 438 cây cao su tại 2 vườn ở Bắc Quang và Vị Xuyên. Qua kết quả cạo và đánh giá làm chính Công ty cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương ngạc nhiên, đó là sản lượng mủ đạt bình quân 0,75 tấn/ ha.
Theo các chuyên gia thì đây là mức sản lượng tương đương với sản lượng của miền Đông Nam bộ. Còn so với các tỉnh vùng Tây Bắc thì con số trên nhỉnh hơn do địa bàn Hà Giang có khí hậu nóng ẩm và lượng mưa nhiều hơn các địa phương khác trong vùng. Sản lượng trên sẽ tăng dần lên qua các năm cạo tiếp theo khi tuổi cây vào độ cường tráng nhất. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng cho người lao động và địa phương Hà Giang.
Theo kết quả sản xuất, đến hết năm 2016 này, Công ty CP Cao su Hà Giang đã trồng được trên 1.514ha cao su chịu lạnh các giống như: IAN 873, VNg 77-4 và VNg 77-2. Trong đó có 600ha cây trồng năm thứ 5, 100ha cây trồng năm thứ 4, trên 387ha trồng năm thứ 3, 304ha trồng năm thứ 2…
Công ty luôn có sự phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương bảo vệ vườn cây; thực hiện việc tổ chức, sắp xếp bộ máy cán bộ, nhân viên tinh gọn, hiệu quả; đảm bảo đời sống người lao động. Theo lãnh đạo Công ty, với sự chăm sóc tốt, sự phát triển ổn định của các vườn cao su như hiện nay, dự kiến đến năm 2019, diện tích cao su đưa vào khai thác sẽ đạt trên 600ha. Và với sản lượng đạt 0,75 tấn/ha thì đó là một tín hiệu rất đáng phấn khởi. Mong muốn trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Tập đoàn và địa phương sẽ tiếp tục đánh giá, tạo điều kiện cho việc phát triển, đưa diện tích cao su trên địa bàn đạt từ 2.000 – 3.000ha.
Huy Toán
Related posts:
- Việt Nam – Lào tiếp tục hợp tác phát triển các dự án cao su
- Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tiếp xúc cử tri công nhân cao su
- Cao su Điện Biên ra quân khai thác
- Khối thi đua Miền Đông Nam bộ trao nhà đại đoàn kết cho công nhân Cao su Dầu Tiếng
- Phát động Giải báo chí viết về Ngành Cao su lần thứ I, năm 2021
- Chăm lo tốt nguồn lực lao động để doanh nghiệp phát triển bền vững
- Cao su Đồng Nai: Đã có 3 nông trường về trước kế hoạch
- Lợi nhuận khối thi đua các đơn vị sản xuất gỗ trên 611 tỷ đồng
- Trao nhà tình nghĩa cho "Bàn tay vàng" ngành cao su 2014
- Ai dạy nghề trồng cao su cho nông dân Tây Bắc