Ai dạy nghề trồng cao su cho nông dân Tây Bắc

Trong khi chúng ta có hẳn một chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng kinh phí lên đến 25.980 tỷ đồng, thì nhiều nông dân trồng cao su lại đang bị đặt “ngoài rìa” chương trình này.

Trung Quốc họ bảo thế!

Trong chuyến công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc cuối năm 2013, chúng tôi có điều kiện tham quan vườn cây cao su tiểu điền tại một số địa phương.

Có thể thấy, trước khi các công ty cao su của VRG triển khai trồng cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào năm 2007, thì đã có không ít nông dân tại khu vực này trồng cây cao su. Ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho biết đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 ha cao su tiểu điền. Tương tự, tại Lào Cai, Điện Biên cũng có một số vườn cây cao su tiểu điền đã đưa vào khai thác mủ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các hộ trồng cao su chủ yếu là đồng bào dân tộc. Đa số người dân lấy giống cao su từ Trung Quốc về… trồng đại. Họ không quan tâm lắm về nguồn gốc giống và gần như không hiểu biết gì về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác mủ cây cao su.

Quan sát vườn cây và gặp gỡ, nói chuyện với một số nông dân trồng cao su, chúng tôi nhận thấy việc trồng cây cao su của họ rất… may rủi. Có những vườn cây được trồng trên địa hình tương đối phù hợp, được quan tâm chăm sóc thì tốc độ sinh trưởng khá tốt, nhưng cũng phải đến năm thứ 7, thứ 8 mới có thể cho mủ. Nhưng cũng có vườn cây cho khai thác sớm, không phải do vườn cây sinh trưởng vượt tiến độ, mà là do thấy mủ có giá nên nhiều hộ nóng lòng cạo lấy mủ bán, dù vườn cây chưa đạt tiêu chuẩn mở miệng cạo (vành thân vanh đạt 50 cm, miệng cạo cách mặt đất 1m).

Đó là chưa nói, kỹ thuật cạo mủ của các hộ này là… không theo một kỹ thuật nào cả! Tại xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu), chúng tôi chứng kiến vườn cây 1 ha còi cọc với mặt cạo sần sùi, u lồi chi chít, vết tích cạo phạm hằn rõ trên thân cây. Chủ nhân của vườn cây là anh Lò Văn Bằng, dân tộc Thái. Năm 2006, anh mua giống cao su từ Trung Quốc đem về trồng, đến năm 2012 dù vườn cây bị suy dinh dưỡng dặt dẹo, nhưng anh đã “bắt phải cho mủ”. Hỏi sao anh biết cây cho mủ mà cạo sớm vậy, anh hồn nhiên trả lời: “Mình lấy dao rạch thử, thấy nó có mủ nên cạo luôn”. Anh thật thà nói rằng, khi đó giá mủ khá cao nên anh cạo lấy mủ bán cho được giá. Một hec-ta cao su anh cạo lấy mủ bán được gần 40 triệu đồng, cao hơn thu nhập từ làm nương, rẫy. Khi được hỏi ai hướng dẫn mà vườn cây bị cạo phạm, cạo sai kỹ thuật trầm trọng đến vậy, anh trả lời không chút do dự: “Trung Quốc họ bảo vậy!”. Anh Bằng cho biết, không riêng gì anh mà các hộ trong vùng cũng “làm như họ hướng dẫn vậy”.

Tìm hiểu thêm thì chúng tôi được biết, cao su là một loại cây trồng còn rất mới mẻ không chỉ đối với người dân trồng cao su, mà cả với những cán bộ khuyến nông tại địa phương. Kỹ thuật canh tác cây cao su đối với họ là điều gì đó quá xa lạ. Bởi vậy, khi qua Trung Quốc mua cây giống đem về trồng, những am hiểu về kỹ thuật trồng loại cây này của người nông dân chỉ là sự hướng dẫn sơ sài của phía bán. Ông Phạm Văn Hằng- Phó Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, nhận định: “Do trồng không theo một quy trình nào và cạo sai kỹ thuật, sai phương pháp nên năng suất vườn cây của các hộ này rất thấp, vườn cây nhanh chóng bị suy kiệt, có thể không thể cho mủ”.

Vườn cây đầy những “vết thương” của anh Lò Văn Bằng. Ảnh: P.L
Vườn cây đầy những “vết thương” của anh Lò Văn Bằng. Ảnh: P.L
Không thể thờ ơ, doanh nghiệp vào cuộc

Từ câu chuyện người nông dân tự mày mò, học lỏm để trồng cao su như nêu trên, khiến người viết nhớ tới sự bất cập của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (còn gọi là Đề án 1956). Nói về đề án này, ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, thẳng thắn: “Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Lai Châu là cao su, chè, sản xuất lúa. Nhưng những nghề này lại không có trong danh mục đào tạo mà lại là dạy nghề nuôi công, nuôi phượng, nuôi trĩ hay sửa chữa xe máy, cơ khí… Thế nên vụ thu hoạch cao su vừa qua, người dân phải nhờ đến chuyên gia nước ngoài sang đào tạo kỹ năng khai thác mủ”.

Vấn đề đã rõ. Chúng ta có hẳn một chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng kinh phí lên đến 25.980 tỷ đồng, nhưng lại chưa gắn với thực tiễn mà rất nặng về giáo điều, nhiều bất cập, lắm kẽ hở. Việc đào tạo cũng chưa thực sự xuất phát từ quy hoạch phát triển của từng địa phương. Nhiều nơi, nông dân – đối tượng chính thụ hưởng chương trình này, lại như người ngoài cuộc.

Trong khi người nông dân trồng cao su đang bị “ra rìa” khỏi Đề án 1956, thì doanh nghiệp trồng cao su đã vào cuộc. Trong năm 2013 và 2014, các công ty cao su trực thuộc VRG ở Điện Biên, Lai Châu phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su VN, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, khai thác mủ. Điều đặc biệt là đối tượng học không chỉ là CBCNV của công ty, mà còn có sự tham gia của một số hộ nông dân trồng cao su tại địa phương. Các lớp học này đã trang bị những kiến thức cơ bản về trồng, chăm sóc cây cao su theo từng giai đoạn, phát hiện phòng trừ sâu bệnh và kỹ thuật khai thác mủ.

Ông Lê Tiến Tình -TGĐ Công ty CPCS Lai Châu, cho biết: “Ngoài cao su đại điền, cao su tiểu điền ở Lai Châu cũng đang phát triển nhanh. Thực hiện chủ trương cao su đại điền làm “bà đỡ” cho cao su tiểu điền, chúng tôi vận động bà con trồng cao su tham gia các lớp học để trang bị những kiến thức cần thiết nhất trong các khâu trồng, khai thác cây cao su. Sau này, khi xây dựng nhà máy chế biến, công ty sẽ thu mua mủ của cao su tiểu điền, góp phần bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con”.

Phú Hưng