CSVN – Bộ phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Victor Vũ đạo diễn, đạt giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Phúc Châu Silk Road lần thứ 2, vừa được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc, nhận được nhiều ý kiến chia sẻ tích cực từ khán giả, người trong nghề, giới truyền thông…
Tình cảm anh em và những rung động đầu đời
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được đạo diễn Việt Linh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, từng tạo nên cơn sốt và đạt giải thưởng văn học ASEAN vào năm 2010, kể về tuổi thơ nghèo khó của hai anh em Thiều (Trần Thịnh Vinh đóng) và Tường (Bùi Trọng Khang đóng) ở một làng quê vùng biển vào cuối những năm 80. Đó là một thế giới nên thơ, trong trẻo đến ngỡ ngàng, với câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, tình anh em yêu thương chân thành. Đó cũng là nơi đã chứng kiến những rung động đầu đời của cả hai anh em, cũng như những đố kỵ, ghen tuông và những nỗi đau trong veo trong quá trình trưởng thành.
Nơi ấy, có một thằng em trai suốt ngày lẽo đẽo theo anh để phải hứng chịu những trận đòn vô cớ, những giận hờn trời ơi bởi thằng anh “ẩm ương” cũng chỉ lớn hơn em vài tuổi. Nơi ấy, có những bãi ngô xanh mượt, những cánh đồng bát ngát để chạy chơi thả diều, đá cỏ gà, bắt ốc…Nơi có mái nhà xiêu vẹo, có ba, có má, có những ngày khốn khó chạy lũ đói ăn. Và nơi ấy, có một cô bạn nhỏ để ban ngày chí chóe chửi nhau “sao ngu quá vậy” và đêm về len lén viết thơ tình tặng nàng…
Đó còn là những rung động đầu đời thơ mộng, đôi khi dở khóc dở cười của Thiều, loay hoay với tình cảm lạ lẫm nảy sinh dành cho cô bạn gái học cùng trường tên Mận (Lâm Thanh Mỹ, đóng), Một hôm, Thiều vụng về thổ lộ với bạn gái: “Hổng biết nữa, mấy ngày nay, tao chỉ thích chơi với mình mày à…”. Ngay sau lời bày tỏ tình cảm dễ thương đó, Thiều lại giận dỗi mắng Mận là đồ con nít rồi vùng vằng bỏ đi. Có những lúc, Thiều uất ức nhìn theo cậu em trai mình đang hớn hở bên Mận. Chuyện tình cảm của Thiều chưa kịp được làm rõ thì những tai họa thiên nhiên ập đến với làng quê, cuốn băng đi tất cả trong cơn lũ ngập nóc nhà.
Ngoài rung động tình yêu đầu đời, bộ phim cũng dựng nên một thế giới tình cảm trong vắt giữa những đứa trẻ vùng quê nghèo, chúng cùng chia sẻ giấc mơ cổ tích, run lên vì sợ ma hay thì thầm những bí mật. Thế giới người lớn cũng được đề cập qua cái nhìn trẻ con: tình cha con, hàng xóm, tình anh em, tình yêu, bạn bè.
Không có… sex, không có… bạo lực (có ác, nhưng cái ác hồn nhiên), không có đồng tính, cũng chẳng có tấu hài, không hành động, không kinh dị, có nhát ma nhưng là nhát ma con nít… vậy mà khiến khán giả vừa cười lên thích thú đấy, lại vừa rơm rớm nước mắt. Với những khung hình tuyệt đẹp và giàu cảm xúc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh như là một “tấm vé” đưa người xem trở lại với tuổi thơ lắm ngọt ngào lẫn day dứt mà mỗi người đều đã từng trải qua.
Trở về với những trò chơi dân gian
Nhiều trò chơi dân gian của một thế hệ tuổi thơ được tái hiện trong phim khiến khán giả người lớn không khỏi bồi hồi. Những trò chơi tưởng đã bị lãng quên bỗng có sức hút chưa từng thấy, đưa người xem trở lại làm đứa trẻ thuở lên mười, hiếu động với muôn vàn tưởng tượng ngây thơ.
Đó là những trò chơi như: đá cỏ gà, nhảy lò cò, nhảy dây, bắn bi, rượt bắt, xe gỗ, thuyền lá, xếp cào cào lá dừa, thả diều, hình nhân quay, nhảy dây… hiện lên giản dị và thân thuộc. Nhiều khán giả đã rất xúc động ở những chi tiết ấy trong phim.
Những trò chơi của ngày xưa ấy không ngờ lại có một sức hút đến kỳ lạ với dàn diễn viên nhí. Trọng Khang thích thú: “Từ trước tới giờ những trò chơi trong phim con chưa bao giờ thấy và cũng không biết trò chơi dân gian là gì, giờ tụi con mới biết những điều đó vui hơn nhiều mấy trò chơi hiện đại bây giờ. Con chơi hoài không biết mệt là gì luôn”.
Có lẽ nhờ bắt nguồn từ những cảm xúc trong veo như thế nên những cảnh quay này rất ngọt ngào, nên thơ và dễ thương. Những cảnh phim sao mà thân thương lạ lùng…
Thậm chí là quá đẹp, nhưng…
Có rất nhiều người cho rằng những cảnh quay trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đẹp, thậm chí là quá đẹp. Nhưng đôi khi sự lạm dụng cái đẹp phong cảnh trở thành con dao hai lưỡi, nó nịnh mắt nhưng chưa hẳn đã chạm được vào trái tim. Nó mải mê cái toàn cảnh mà thiếu đào sâu vào nội tâm nhân vật.
Cái đẹp của phong cảnh đôi lúc cũng vô hình trung làm mượt mà hóa cái đói nghèo của người dân miền Trung. Vì thế mà những cảnh mô tả về sự nghèo đói, lũ lụt, cháy nhà… khán giả không thấy được sự khốn khó kiệt cùng, mà chỉ là những hồi ức đẹp.
Phim tận dụng tối đa thời đại của flycam nhưng lạm dụng nhiều nên khiến người xem thấy phim không hoàn toàn giống một tác phẩm nghệ thuật mang ngôn ngữ điện ảnh đúng nghĩa mà giống với một phim về du lịch hơn!
Hoàng Oanh
Related posts:
- Được gặp Bác - Kỷ niệm đáng nhớ
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su: Vì chất lượng nguồn nhân lực Cao su Việt Nam và xã hội
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- Tuổi trẻ gây quỹ mua cồng chiêng
- Cây cao su của ông Yersin bắt đầu được khai thác
- Cô giáo mầm non có "giọng hát vàng"
- Hà Tây vô địch giải bóng đá mini Cao su Chư Păh
- “90 năm, Cao su Dòng chảy cuộc sống”
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử - sinh thái (1897 - 1975): CHUYỂN DÒNG
- "Kỳ án con ruồi" và 2 câu chuyện văn hóa