CSVN – Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, nằm trên đỉnh của nhiều ngọn núi giữa đại ngàn Tây Bắc. Đồng bào Mông nơi đây cần cù thật thà chất phác và còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc, cũng như nhiều sản phẩm được coi là đặc sản, như chè Tà Xùa, táo Sơn tra, bánh giày… Đặc biệt là rượu Hang Chú.
Loại rượu này trước đây người Mông làm để cúng đất trời, tổ tiên vào những dịp quan trọng như giỗ, Tết, hội làng và đãi bạn hiền. Đến nay, giao thông thuận lợi hơn, rượu Hang Chú đã xuống đến phố huyện. Từ đây, rượu Hang Chú đã xuôi về Hà Nội, ngược lên thành phố Sơn La trong những túi quà đặc sản vùng đồng bào Mông vùng cao Tây Bắc.
Trước khi nấu, người Mông ngâm thóc thành mộng và chưng ủ cùng cao lương thảo dược. Men đủ vị thảo dược của núi rừng, có vị phòng chống lạnh, trừ cảm, có vị làm cho lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp, có vị làm cho không đau đầu. Rượu được chưng cách thủy hai lần. Lần thứ nhất là khử tạp và lọc cốt, lần thứ hai làm lạnh bằng những lá thơm lấy từ rừng với nước suối Hang Chú, thế mới ra được rượu và chỉ có người ở bản Pa Cư Sáng A mới làm ra rượu Hang Chú thơm ngon, êm dịu.
Nhưng, để nấu rượu cúng bái thần tiên trời đất, lại đòi hỏi rất công phu, thóc được chọn lựa kỹ càng, đến ngâm, luộc, ủ và chưng cất. Những giọt rượu ngon của đồng bào dân tộc Mông xã Hang Chú không chỉ mang ý nghĩa ẩm thực, mà còn mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa. Đó chính là giá trị từ mạch nguồn của văn hóa dân gian mà những người dân bản địa bao đời nay kết tinh lại.
Hiện nay, bản Pa Cư Sáng A có khoảng 30 hộ và hộ nào cũng biết nấu rượu. Rượu Hang Chú có mùi thơm lạ của men lá rừng, vị đậm đà của thóc nương, uống có say mấy cũng không thấy đau đầu. Ở Hang Chú ai cũng biết uống rượu, nhưng người làm ra rượu lại chủ yếu là phụ nữ. Cô gái nào ủ men khéo thì đắt chồng, ngày Tết, nhà nào cũng tích vài thùng rượu to để tiếp khách. Người Hang Chú cực kỳ mến khách, tiếp rượu mà khách chưa say, chưa phải bò bằng bốn chi thì đừng nói chuyện ra về.
Ngọc Thuấn
Related posts:
- Bức thư gửi muộn
- Cao su - dòng chảy hào hùng
- Chiến công oanh liệt của công nhân Cao su Dầu Tiếng
- Những bức ảnh còn mãi theo thời gian
- Tự tin, sâu lắng
- Phó Giáo sư Huỳnh Lứa: Chủ biên đầu tiên của cuốn lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam
- Báo Quân khu 7 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Người viết sử ngành bằng thơ
- Binh đoàn 15 hưởng ứng Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”
Ngọc Thuấn bài viết hai quá <3