CSVN – Theo Tiến sĩ Hidde P Smit, chuyên gia phân tích thị trường cao su nổi tiếng, giá cao su thiên nhiên sẽ duy trì ở mức thấp như hiện nay cho đến năm 2020. Để hạn chế rủi ro trong tương lai, cần cân nhắc trồng thêm các loại cây khác, ít nhất trên 10% diện tích đất trồng cao su.
Trồng điều kết hợp cao su tại Ấn Độ
Theo đó, người trồng ở mỗi quốc gia có thể lựa chọn cây trồng thứ hai sau cây cao su phù hợp với khí hậu, môi trường và nhu cầu của thị trường. Trong tình hình giá cao su ở mức thấp và cây điều mang đến nhiều lợi ích, người trồng cao su có thể cân nhắc đến giải pháp trồng cây điều trên một phần đất cao su.
Cao su tại Ấn Độ đạt sản lượng thấp nhất vào tháng 4 và 5, trong khi đây lại là mùa cao điểm về sản lượng của cây điều – vốn đang được trồng nhiều nơi tại Kerala. Vì vậy trồng điều trên một phần diện tích cao su, người trồng cao su có thể tăng thêm thu nhập, đặc biệt là khi giá cao su sụt giảm. Đối với Tổng cục Cao su Ấn Độ và nông dân trồng cao su, mô hình đa dạng hóa cây trồng sẽ mang lại nhiều lợi ích trong tương lai.
Chế biến điều thô tại Ấn Độ chủ yếu tập trung ở quận Quilon, bang Kerala. Hiện nay do sản lượng điều ở Ấn Độ còn ít, điều thô được nhập khẩu từ các nước châu Phi để chế biến. Hạt điều đã chế biến của Ấn Độ có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và mang lại nguồn thu nhập ngoại tệ đáng kể. Gia tăng sản xuất điều sẽ giúp tiết kiệm nguồn ngoại tệ nhập khẩu điều khô.
Tại các vườn cao su, khu vực đất cứng và nhiều đá có thể tận dụng để trồng điều bên cạnh cây cao su là cây trồng chính. Mô hình này có thể được thực hiện một cách hiệu quả trong nhiều vùng thuộc quận Kasaragod, Kannur, Kozhikode, Trichur, Palghat và Quilon của bang Kerela. Ngoài ra các bang gần Kerala và tại khu vực Đông Bắc cũng là nơi có diện tích rộng lớn thích hợp để trồng điều. Tại Ấn Độ, người trồng cao su được khuyến cáo dành khoảng 10% diện tích để trồng điều.
Mô hình trồng điều kết hợp cao su có những ưu điểm như có nguồn thu nhập từ 2 cây trồng, đặc biệt thu nhập từ cây điều trong tháng 4 và 5 sẽ bù đắp trong thời gian cây cao su cho sản lượng thấp. Đặc biệt ở những vùng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thợ cạo mủ cao su, có thể xem xét để trồng điều. Ngoài ra vỏ hạt điều có thể được sử dụng làm nhiên liệu trong các nhà máy chế biến cao su khối nhờ vào công nghệ khí hóa sinh khối.
Bên cạnh đó dầu hạt điều có tính chất chống kháng nấm và có thể được sử dụng để phòng ngừa nấm bệnh trên cây cao su. Tại Ấn Độ, trong tương lai, trợ cấp để trồng cao su tại khu vực truyền thống sẽ bị ngưng và nguồn trợ cấp này có thể được chuyển sang để thúc đẩy trồng điều. Ngoài ra do có thêm thu nhập từ trồng điều, các khiếu nại, than phiền, yêu cầu trợ cấp do giá biến động của người trồng cao su sẽ giảm bớt.
Một số nước trồng cây ăn trái
Giá cao su giảm buộc nông dân Malaysia chuyển sang các loại cây trồng thu lợi hơn như dầu cọ và cây ăn trái (sầu riêng, dưa hấu, chôm chôm, khế…). Tại Malaysia, ngành trồng và chế biến cây ăn trái đang đứng trước những cơ hội lớn.
Tại Thái Lan, mô hình đa dạng hóa cây trồng được khuyến khích để cải thiện thu nhập của người nông dân như trồng thêm cây ăn trái, cây điều, cây thảo dược. Ở Indonesia và các nước châu Phi, trồng cây điều trên một phần diện tích cao su cũng được xem xét để tăng thu nhập. Theo các chuyên gia nông nghiệp, độc canh cây trồng thường sẽ chịu thiệt hại nhiều về kinh tế, đặc biệt khi xảy ra dịch bệnh. Do vậy trồng kết hợp sẽ giúp giảm thiểu tình trạng dịch bệnh và người nông dân có thể tăng thêm thu nhập từ các cây trồng khác. Ngoài ra trồng kết hợp còn giúp duy trì sự cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học .
P.V (theo Hiệp hội CSVN)
Related posts:
- Cơ khí Cao su: Cải tiến dây chuyền mủ tờ RSS
- Cảnh báo bệnh nấm hồng trên vườn cao su
- "Chủ nhà" Dầu Tiếng ráo riết chuẩn bị
- Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây
- NEPAL phát triển cao su để hồi sinh các vùng đất bị suy thoái
- Thực hiện nhiều giải pháp quản lý kỹ thuật nông nghiệp khai thác tối đa năng lực vườn cây
- Tái canh năm 2017 có nhiều tiến bộ vượt trội
- Giải pháp truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu EUDR
- Ủy ban Cao su Ấn Độ ra mắt ứng dụng di động - CRISP để hỗ trợ người trồng trọt
- Cao su Krông Buk-Ratanakiri mở học cạo đầu tiên cho 24 công nhân Campuchia