Sớm hoàn thiện quy trình kỹ thuật bổ sung 2017

CSVN – Nhằm bổ sung, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bổ sung năm 2017, vừa qua, tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, Ban Quản lý Kỹ thuật VRG đã tổ chức Hội nghị “Góp ý dự thảo quy trình kỹ thuật bổ sung năm 2017″ cho các đơn vị tại khu vực Tây Nguyên. Đại diện các đơn vị đã thảo luận nhiều nội dung cần thay đổi, chỉnh sửa trong dự thảo.
Trồng mới cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê. Ảnh: Văn Vĩnh
Trồng mới cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê. Ảnh: Văn Vĩnh
Quy trình cần phù hợp với suất đầu tư

Theo ông Mai Ngọc Bình –  Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, nên căn cứ  vào suất đầu  tư nông nghiệp để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu đánh giá sinh trưởng xếp loại vườn KTCB cho phù hợp với thực tế. Như thực trạng tại Công ty Chư Sê có đến 20% diện tích đất có cao trình trên 650m mà phân hạng đất trồng cao su là hạng II, vườn cây sinh trưởng kém mà suất đầu tư lại thấp. Do vậy ông Bình đề nghị điều chỉnh  lại tiêu chí phân hạng đất trồng cao su để có suất đầu tư chính xác hơn với đối tượng này.

Ông Trần Minh – GĐ Trung  tâm Tây Nguyên (Viện NCCS VN) đề xuất đưa chỉ tiêu cao trình vào tiêu chuẩn phân hạng đất trồng cao su, giới hạn về thời tiết chỉ có số liệu quan trắc cho khu vực lớn, không phù hợp với tiểu vùng nhỏ như vài trăm ha cao su, nên chỉ có giá trị tham khảo, chưa đầy đủ cơ sở để phân hạng đất chính xác cho vùng trồng cao su cao trình cao.

Về suất đầu tư, ông Trương Thanh Tuấn – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang cũng kiến nghị: “Xây dựng quy trình phải phù hợp với suất đầu tư vì suất đầu tư hiện tại mâu thuẫn với quy trình kỹ thuật và định mức. Đề xuất điều chỉnh tiêu chuẩn đưa vào khai thác  đối với vườn cây KTCB tại cao trình >700m theo tiêu chuẩn vanh tại vị trí 1m là 45cm và chiều cao mở cạo là thấp hơn 1.2 m do bởi chế độ cạo d4, d5, d6 thì độ hao dăm rất thấp”.

Cập nhật chế độ cạo D4, 5, 6

Ngoài đề xuất việc xây dựng quy trình phải căn cứ trên thực tế và suất đầu tư phải được xây dựng căn cứ trên thực tế và tần suất đầu tư phải được xây dựng căn cứ theo quy trình, ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum còn kiến nghị bổ sung thêm nội dung bón phân qua lá cho vườn khai thác và bỏ quy định trong phòng trị phấn trắng không phun các diện tích rụng lá mùa mưa.

Đại diện các đơn vị cũng đánh giá cao việc quy trình bổ sung có đưa thêm chế độ cạo D4, 5, 6 nhằm nâng cao năng suất lao động và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay. Ông Trần Minh còn nêu ý kiến: “Vườn cây cạo năm thứ 13 trở đi vỏ cạo nguyên sinh u lồi, mỏng, lớp vỏ cho mủ rất mỏng, lượng mủ và hàm lượng DRC% giảm dần từ đầu năm đến cuối năm; ngoài ra miệng cạo ngửa trên vỏ tái  sinh khô rất nhiều, thậm chí còn 50%.

Cần xem xét qui hoạch chế độ cạo miệng úp cho phù hợp. Vườn cây nhóm II năm cạo thứ 13 có bất cập trong quy hoạch bảng cạo ngửa, vì 2 miệng cạo úp, ngửa sát nhau nên để triển khai mái che mưa thì miệng cạo ngửa phải hạ thấp xuống 25 – 30 cm. Để khắc phục vấn đề này các hộ tiểu điền đã đóng 2 cây đinh nhỏ vào ranh tiền, hậu và dùng dây buộc kiềng, do vậy đề nghị nên xem xét giải pháp  này”.

[cow_johnson general_float=”center”]

Qua các ý kiến của các đơn vị, ông  Hà Văn Khương – Thành viên HĐTV, Phó ban Quản lý Kỹ thuật VRG cho biết sẽ xem xét các ý kiến, và cập nhật các  nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế. Ông Khương cho biết thêm, dự thảo quy trình xây dựng trên quan điểm quản lý kỹ thuật, các biện pháp cho mục tiêu bảo đảm vườn cây phát triển, suất đầu tư căn cứ trên quy trình.

Đối với các ý kiến về không nên mở cạo vườn cây chưa đạt vanh (cho đại trà), ông Khương thống nhất và nhấn mạnh là tiêu chuẩn (Điều 22 dự thảo quy trình bổ sung) chỉ áp dụng đối với một số vườn cây/khu vực đặc thù (cá biệt) chứ không phải đại trà, áp dụng cho các nhóm vườn cây hiệu quả thấp, chờ thanh lý, hay vườn KTCB kéo dài nhiều năm không thể đạt tới mức vanh quy định và ngoài yếu tố kỹ thuật ra còn cân nhắc yếu tố kinh tế-xã hội…

[/cow_johnson]

Văn Vĩnh