CSVN Xuân – Để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015, VRG chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng kịch bản giá thành sản xuất 30 triệu đồng/tấn sản phẩm và giá bán 31 triệu đồng/tấn, đồng thời áp dụng các giải pháp quyết liệt để điều hành sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định đời sống, việc làm và thu nhập cho công nhân lao động.
Giảm chi phí trực tiếp, tăng cường thu mua
Theo TGĐ Trần Ngọc Thuận, thực hiện giá thành giá bán với mức này, nhiều đơn vị sẽ rất khó, nhưng phải làm và không phải không có cách giải quyết. “Ví dụ như đơn vị Mang Yang năng suất thấp, không vực dậy được dẫn đến giá thành cao thì cần phải thanh lý dần để tái canh, chuẩn bị cho chiến lược các năm tới”, TGĐ cho biết.
Thực tế, đây là chỉ tiêu khá khó khăn, nhất là việc khống chế giá thành tiêu thụ, để có cơ sở xây dựng kế hoạch cũng như điều hành việc thực hiện kế hoạch 2015, các công ty phải chủ động tính toán, thực hiện các giải pháp nhằm giảm giá thành, trong trường hợp cần thiết thì lập tổ nghiên cứu các biện pháp giảm giá thành.
Cụ thể VRG đã hướng dẫn các đơn vị có các giải pháp như: Căn cứ vào tình hình lao động, năng suất vườn cây thực tế của công ty, tích cực chuyển đổi sang chế độ cạo D4 với các vườn cây đang cạo D3, giảm diện tích mở mới, nhưng chỉ nên ở mức khoảng 30% kế hoạch mở mới đã duyệt. Diện tích đủ tiêu chuẩn mở cạo nhưng chưa mở cạo chỉ chăm sóc tối thiểu. Trong trường hợp giá bán mủ tích cực sẽ xem xét điều chỉnh ở thời điểm thích hợp.
Đối với diện tích vườn cây nhóm 3, quá thời gian khai thác với năng suất thấp, công ty tăng kế hoạch thanh lý so với kế hoạch đã duyệt nhưng chỉ thanh lý vào cuối năm 2015 để tái canh vào 2016, để không tăng nhu cầu vốn đầu tư trong năm 2015.
Về tiền lương những công ty có lợi nhuận, căn cứ thu nhập người lao động ở khu vực để xác định chi phí tiền lương theo nguyên tắc tích cực tăng năng suất người lao động thông qua chuyển chế độ cạo, giảm mở mới vườn cây, thanh lý vườn cây năng suất thấp… để giữ thu nhập người lao động nhưng giảm được chi phí tiền lương trong giá thành. Đối với các công ty đã tính toán theo mức lương tối thiểu cũng phải tích cực tăng năng suất lao động để giảm chi phí tiền lương trong giá thành.
[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Chỉ tổ chức hội nghị khi thực sự cần thiết”]TGĐ Trần Ngọc Thuận yêu cầu các đơn vị rà soát chỉ tổ chức các hội nghị, sự kiện khi thực sự cần thiết, tăng cường kết hợp tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh với Hội nghị người lao động… trên tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo trang trọng và đạt nội dung đề ra. [/stextbox] Theo nhận định của ông Phạm Văn Thành – Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư VRG, tiền lương chiếm đến 60-65% giá thành, muốn giảm giá thành phải giảm tiền lương. Tuy nhiên đây là bài toán thuộc về an sinh xã hội, vì vậy phải chuyển từ cạo D3 sang D4 để tăng năng suất lao động. Nếu thực hiện trong 3 năm thì đảm bảo.Về phân bón, VRG khống chế chi phí phân bón bình quân khu vực Đông Nam bộ tối đa 700.000 đ/tấn, các khu vực khác 850.000đ/tấn, căn cứ vào định mức theo giá trị, công ty tính toán khối lượng phân bón phù hợp cho từng nhóm cây.
Các chi phí trực tiếp khác giảm tối thiểu 15% so với năm 2014, trong đó lưu ý đối với các khoản chi phí liên quan đến người lao động cần có sự tuyên truyền, động viên để chia sẻ trong giai đoạn khó khăn. Các chi phí quản lý, bán hàng thì giảm 20% so năm 2014. Tích cực tăng cường công tác thu mua để giảm chi phí khấu hao, chi phí quản lý, tăng thêm nguồn thu nhập từ công tác thu mua, phấn đấu tăng khoảng 30% so sản lượng thu mua năm 2014.
Nhiều đơn vị đã tích cực thực hiện
Trên cơ sở đó các công ty đã xây dựng các biện pháp, kịch bản để khống chế giá thành. Bà Nguyễn Thị Gái – TGĐ TCT CS Đồng Nai cho biết: “TCT tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong cán bộ, công nhân lao động thực hiện vượt trên 5% kế hoạch khai thác mủ năm 2015; Chuyển một số diện tích cạo D3 sang D4; Thanh lý 2.583 ha vườn cây cao su già cỗi hết chu kỳ khai thác, năng suất thấp không hiệu quả và chọn giống mới theo quy định của Tập đoàn. Quản lý chặt chẽ suất đầu tư xây dựng cơ bản, cắt giảm các công trình chưa cần thiết; Thực hiện tiết kiệm giảm 20% chi phí vật tư, kiềng, chén máng, điện, nước, chi phí bán hàng, văn phòng phẩm… so với hiện nay, rà soát tiết giảm 10% chi phí chế biến so kế hoạch thực hiện”.
Bên cạnh đó TCT tăng sản lượng thu mua cao su của các hộ tiểu điền để chế biến, tiêu thụ nhằm tăng doanh thu, góp phần giảm khấu hao và chi phí quản lý. Đảm bảo chất lượng chế biến các chủng loại sản phẩm mủ cao su, cơ cấu sản phẩm hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ gỗ cao su tinh chế và thị trường xuất khẩu, sản phẩm sản xuất công nghiệp từ nguyên liệu cao su để tăng giá trị gia tăng trên sản phẩm cao su.
Đối với Công ty TNHH MTV CS Lộc Ninh thì thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm những chi phí không cần thiết, đảm bảo thu nhập cho NLĐ. Thực hiện chủ trương của VRG, tiền lương năm 2014 công ty cố gắng chi trả bằng 85% so với năm 2013. Nếu như đầu năm công ty dự kiến phấn đấu giảm 10%, thì bằng những giải pháp thiết thực và hiệu quả, công ty chỉ giảm 7% so với năm 2013.
Để đối phó với tình hình còn nhiều khó khăn trong năm 2015, công ty tiếp tục thực hiện ráo riết và triệt để các phương án tiết kiệm. Tiết giảm rất nhiều chi phí có thể như lồng ghép các chương trình hội họp, phong trào nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa của các sự kiện, cắt giảm các chi phí đầu tư chưa thật sự cấp thiết. Công ty phấn đấu khai thác sản lượng vượt nhiều. Năm 2014 vừa qua, Lộc Ninh là đơn vị về trước kế hoạch 26 ngày, là đơn vị có nhiều tập thể, cá nhân về trước kế hoạch năm sớm 3 – 4 tháng. Công ty triển khai chuyển chế độ cao từ D3 sang D4 trên 1.200 ha để tăng năng suất lao động. Tăng cường thu mua cao su tiểu điền để chế biến hết công suất máy móc, giảm khấu hao tài sản cố định, tăng thu nhập cho NLĐ.
N.K – Quỳnh Mai
Related posts:
- Công ty CPCS Sa Thầy ký quy chế phối hợp với Công an huyện Ia H’Drai
- VRG cần chủ động tối đa trong định hướng sử dụng đất
- TCT cao su Đồng Nai: 10 cá nhân được tuyên dương người tốt, việc tốt
- Ông Đỗ Hữu Huy – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp:...
- Cao su Phước Hòa: Tiếp tục giữ vững năng suất trên 2 tấn/ha
- Cao su Dầu Tiếng quy hoạch hơn 2.100 ha phát triển nông nghiệp công nghệ cao
- Cơ quan Công đoàn Cao su Việt Nam hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra
- Các công ty cao su tại Campuchia hoàn thành tốt mục tiêu kép
- "Lĩnh vực nông nghiệp có nhiều điểm sáng nhờ công tác quản trị và chú trọng tay nghề người lao động"
- Điện Biên: Cao su giúp nâng cao đời sống người dân