CSVN – Dưới tán rừng cao su gần 15 năm tuổi, hơn 220 gia đình công nhân được Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray hỗ trợ cấp đất, xây nhà, biến một vùng khu vực xã biên giới Ia Tơi từ nơi hoang vu thành điểm dân cư rộn ràng nhịp sống.
Mái ấm của người lao động xa quê
Có mặt trong ngôi nhà của chị Lương Thị Nghĩa và anh Vi Văn Thích – công nhân NT Mo Rai 1 vào tháng 11, chúng tôi có dịp lắng nghe hành trình thực hiện ước mơ của hai vợ chồng. Chị Nghĩa sinh năm 1993, là người dân tộc Thái. Năm 2010, trúng tuyển công nhân cao su, chị và chồng rời quê hương Thường Xuân (Thanh Hóa) để đến Sa Thầy (Ia H’Drai, Kon Tum) làm nhiệm vụ trồng mới cao su. Vài năm sau, cả hai chuyển sang Chư Mom Ray làm công nhân cạo mủ.
Nhớ lại thuở mới ly hương vào vùng biên lập nghiệp, chị Nghĩa xúc động, nói không tin được rằng mình có thể xây dựng một ngôi nhà rộng, khang trang như hiện tại. Nữ công nhân kể lại, lúc mới chuyển vào Chư Mom Ray, vợ chồng còn nghèo, phải ở trong ngôi nhà thưng gỗ nhỏ, đơn sơ, mùa nắng nóng vô cùng, còn trời mưa là dột. Vài năm sau khi cả hai có thêm con, ngôi nhà càng chật hẹp, sinh hoạt, ăn uống nhiều bất tiện. Hơn nữa, thời tiết vùng Tây Nguyên đa phần khắc nghiệt, mấy đứa con nhỏ của chị dễ bị ốm do nắng mưa thất thường. Ý chí xây dựng một căn nhà lớn hơn, chống chọi thời tiết của hai vợ chồng mãnh liệt hơn từ đây.
Năm 2021, tuyến quốc lộ 14C đi qua huyện Sa Thầy đến Ia H’Drai làm mới, trải nhựa, đánh dấu cột mốc biến chuyển của vùng. Sau khi có tuyến đường mới, Cao su Chư Mom Ray đã kết hợp địa phương cấp đất cho công nhân xây nhà ở các điểm dân cư quy hoạch. Thấy thời điểm đã đến, vợ chồng chị Nghĩa đăng ký xin cấp đất, xây mới nhà và được công ty duyệt. Năm 2022, ngôi nhà mới được xây dựng. Nhà tọa lạc tại thôn 7, rộng hơn 60 m2, tường gạch, mái tôn, kinh phí khoảng 400 triệu đồng, đa phần từ tiền tích lũy, phần ít còn lại vay ở nông trường, ngân hàng. “Có ngôi nhà kiên cố là ước mơ lớn nhất mà tôi nghĩ rằng nếu không đến vùng đất này và làm cao su thì sẽ không bao giờ có được” – chị Nghĩa tâm sự.
Rời gia đình chị Nghĩa, chúng tôi đến thăm ngôi nhà thứ hai, đó là gia đình anh Lương Văn Dự. Anh Dự sinh năm 1993, cùng vợ Hà Thị Tin sinh năm 1996, đều dân tộc Thái, rời Thanh Hóa vào làm công nhân ở Cao su Chư Mom Ray đã 10 năm. Hai vợ chồng hiện được công ty giao 6 phần cao su (9 ha), thu nhập hàng tháng của mỗi người là trên 9 triệu đồng, ngoài ra nhà còn trồng thêm 4 ha điều.
Kể về đoạn thời gian trước, nam công nhân cho biết vợ chồng ở quê chỉ làm ruộng, mỗi năm hai mùa, tiền bán lúa chỉ đủ ăn, không dư. Tết năm 2013, nghe một người bạn kể rằng làm công nhân cao su tại Tây Nguyên thu nhập khá, chính sách phúc lợi tốt, lại còn có cơ hội cấp đất, hỗ trợ xây nhà… thế là hai vợ chồng khăn gói vào Kon Tum. Miệt mài làm việc một thời gian, đến năm 2018, hai người nhờ công ty đăng ký với địa phương xin cấp đất và xây nhà riêng.
“Vợ chồng xác định từ đầu vào Tây Nguyên lập nghiệp lâu dài, xem nơi đây là quê hương thứ hai, vì vậy khi được hỗ trợ xây nhà, cả hai mừng lắm. Có căn nhà kiên cố vừa chống nắng mưa, vừa sinh hoạt thoải mái, phần nào giúp cho mình an tâm làm việc, cố gắng và gắn bó với nông trường, công ty nhiều hơn. Cả nhà lúc đầu cũng sợ khu này mới sẽ vắng vẻ nhưng chỉ vài năm, nơi đây dần tụ hợp đông đúc bà con về ở, sau này có chợ rồi trường học, nhờ đó mấy đứa con cũng đi học gần nhà” – anh Dự nói.
Mô hình hiệu quả
Từ khi triển khai năm 2012, đến nay, mô hình hỗ trợ cấp đất, xây nhà cho công nhân đồng bào dân tộc đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ, Chủ tịch Công đoàn Cao su Chư Mom Ray cho biết, điểm dân cư 37 (thôn 7, xã Ia Tơi) hiện có từ 210 – 220 hộ gia đình là công nhân cao su được công ty hỗ trợ cấp đất, xây nhà sinh sống. Đây là những hộ công nhân thuộc diện ưu tú, có sản lượng khai thác hằng năm tốt, mong muốn gắn bó lâu dài với ngành.
Theo thống kê quy hoạch, trên địa bản hai xã Ia Tơi và Ia Đal, huyện Ia H’Drai sẽ có hơn 1.000 lô đất được cấp cho công nhân cao su xây nhà. Tính đến năm 2022, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 50%. Nhờ vào quy hoạch, chính sách thu hút người lao động về lập nghiệp, đến nay cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, nước, internet… tại hai xã được đẩy mạnh đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Cũng theo ông Vương, ngoài chương trình hỗ trợ cấp đất, công ty cũng tạo điều kiện để công nhân có kinh phí xây nhà. Theo đó, đối với những công nhân đăng ký, công ty sẽ hỗ trợ một khoản vay tối đa 50 triệu đồng. NLĐ sau này trả khoản vay bằng cách trừ dần trong lương tháng. Như vậy, công nhân sẽ không phải trả một lần, giảm áp lực tài chính. Song song với mô hình trên, Công đoàn Cao su Chư Mom Ray mỗi năm cũng tổ chức trao tặng từ 5 – 6 nhà Mái ấm Công đoàn cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều thành tích trong SXKD, tạo điều kiện để NLĐ có chỗ ở ổn định, chăm lo làm việc.
“Từ khi triển khai, mô hình này ngoài thu hút hơn hàng trăm hộ công nhân thuộc đồng bào thiểu số về ở, ổn định cuộc sống còn phần nào tiếp thêm động lực, giúp NLĐ cố gắng thi đua tăng năng suất. Ngoài ra, NLĐ có chỗ ở ổn định, thi đua phát triển kinh tế còn là mong mỏi của công ty, lãnh đạo địa phương nơi cao su đứng chân. Một khi công nhân xem đây như quê hương thứ hai của mình, họ sẽ thêm tinh thần gắn kết với công việc, gắn bó lập nghiệp trên vùng đất mới” – ông Vương đánh giá.
HOÀNG KHẢI
Related posts:
- Phát triển cao su bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- "Đẩy mạnh kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số"
- Phát triển bền vững trên những giá trị xanh
- Cao su Đồng Nai xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp tiêu biểu
- Đảng bộ Cơ quan VRG phát huy tốt vai trò tham mưu góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung
- Nệm Đồng Phú ưu đãi nhân dịp Đại hội Công đoàn Cao su Việt Nam
- Cao su Sê Pôn xanh thắm tình hữu nghị
- Cao su Bà Rịa cần phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa các kế hoạch đề ra
- Các công ty cao su miền núi phía Bắc: Ổn định việc làm, nâng cao thu nhập lao động bản địa
- Tập huấn sản xuất tái canh cao su chu kỳ II tại Campuchia