– Công nhận ngành mình năm nay đã khó càng khó hơn Tư Mủ à.
– Sao ông?
– Thì ngoài lĩnh vực mủ cao su giá bán thấp còn gỗ cao su thị trường cũng khó khăn không tiêu thụ được. Thiệt là căng.
– Cũng do tình hình thế giới hả ông?
– Chứ sao nữa.
– Vậy thì nối tiếp truyền thống vượt khó của lĩnh vực mủ, lĩnh vực gỗ cũng phải học cách vượt khó thôi.
HAI CẠO
Điện!
Nóng như đổ lửa điện ngưng rồi
Sao khổ như này bác điện ơi!
Nước sốt vì đang cơn khát điện
Dân lo giá điện vọt lên trời
Điện quang vô tận chưa hòa lưới
Điện gió sạch xanh chửa nhập đời
Điện hỡi chập chờn sao thế nhỉ?
Khiến ông chủ điện chẳng nên lời.
ĐỖ VĂN TÂN
Mủ ít mủ nhiều…
Một nhóm thợ cạo đang ngồi trong quán cà phê nhâm nhi trú mưa thì bác Tám phu công – tra bước vô. Mọi người vui mừng, xúm xít quanh bác hỏi han chuyện nọ chuyện kia đủ thứ.
Bác vẫn giọng chậm rãi:
– Đúng là nắng không ưa, mưa không chịu. Nắng quá thì khi cạo miệng cây khô khốc, dai nhách, mủ lại mau đông và cho mủ ít. Còn trời mưa xong, khí hậu mát mẻ, khi cạo miệng cây rất ngọt và mềm, dòng mủ chảy lâu không bị đông, nên cho mủ nhiều hơn. Chỉ sợ gặp cảnh mưa đêm, mưa dầm cây cối ẩm ướt cạo trễ là mệt mỏi thôi hén bây?
– Đúng đó bác!
– Vậy bữa nay mưa gió vậy, gặp lúc được nghỉ ngơi, bác có câu chuyện mủ ít mủ nhiều, có vế đối, đứa nào biết đối lại thì đối để tăng thêm độ hấp dẫn, vui mà còn nhớ lâu nữa. Câu bác đưa ra là : “Mủ ít mủ nhiều”. Ai biết thì giơ tay cho bác điểm danh luôn nghen.
Có 5 cánh tay đưa lên: Danh, Hiếu, Hậu, Vỹ…
– Bác mời Danh! Sao Danh chưa nghĩ ra hả. Mời Hiếu ra vế đối kèm lời giải thích.
– “Ngày nắng ngày mưa” (nắng nóng làm mủ mau đông, tắc mạch mủ, mưa thì mát mẻ mủ không bị đông mủ sẽ chảy lâu hơn, mủ nhiều hơn).
Tới lượt Hậu, Vỹ… thêm Danh luôn. 3 trong 1 vế đối và giải thích.
– “Cạo cứng cạo mềm” (khi cạo tay dao cắt vỏ cứng, dai thì mủ ít. Còn cạo nghe mềm, cắt ngọt… mủ nhiều hơn)
– Cả 2 vế đối và giải thích cũng đều hợp lý, nhưng chưa trùng khớp với ý của bác. Có đứa nào có vế đối khác? Nếu không còn ai ra vế đối thì bác ra vế đối cũng là đáp án sau cùng. Đó là: “Mủ đực mủ cái”. Hết.
– Bác còn chưa giải thích…
– Ngày nào cây cao su cho mủ ít là mủ đực, cho mủ nhiều là mủ cái. Cái mới đẻ, chứ đực đâu có đẻ bây!
Mọi người nghe bác giải thích “cái mới đẻ, còn đực không đẻ” thì hợp lý quá chừng rồi. Nghe giọng bác khề khà kéo dài câu chữ làm cho mọi người bật cười sảng khoái. Nhân lúc mọi người mải mê cười, ông già tếu táo đi mất mà cũng chẳng ai hay biết là đi đâu giữa dải rừng xanh mênh mông bất tận.
NGUYỄN CỦ CẢI
Related posts:
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Tiếp bước cha anh, làm rạng danh ngành cao su
- Bảo tồn giá trị lịch sử, truyền thống di tích Phú Riềng đỏ anh hùng
- Thông báo Cuộc thi ảnh "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần 5 năm 2019
- Làng cười
- Độc đáo lễ hội trái cây "trên bến dưới thuyền"
- Phong trào đấu tranh tiêu biểu của công nhân cao su những năm Tuất
- Binh đoàn 15 hưởng ứng Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”
- Tập đoàn NextTech trao tặng trường mầm non trị giá 500 triệu cho Binh đoàn 15
- Khi nhịp đập trái tim chuyển hóa thành lời ca điệu nhạc