- Năm nay quá khó khăn mà đầu mùa cạo mà ông trời ổng hăm he ngành cao su mình thấy lo quá Tư Mủ à.
- Là sao, bên ông vẫn chưa mưa hả.
- Bên mình tới nay thì cũng có rồi, nhưng một số nơi khác thấy nắng nóng vẫn kéo dài. Cây và người rên xiết.
- Đầu mùa là vậy, tui thì lo cuối mùa mưa bão nữa nè. Vì mấy năm nay thấy ông trời ổng sao đó, thời tiết cực đoan, nắng thì nắng như thiêu đốt, có mưa thì thành bão, lũ luôn. Hic.
- Bởi vậy ngành cao su – nông nghiệp mình sống chung với thời tiết mà, chịu thôi. Tui thì tui lo gì biết không,
- Sao?
- “Được mùa mất giá – Được giá mất mùa”.
- Lại phải …hic…hic.
HAI CẠO
Nước chảy bèo trôi
Tám giờ vàng ngọc cứ à ơi
Dầu mỡ bôi trơn đã hết thời
Mạo hiểm vì dân ai bảo vệ
An toàn bảo mạng họ rong chơi
Tìm đường thử nghiệm e giơ luật
Mở lối tiên phong sợ tuýt còi
Công tội lằn ranh như chỉ mảnh
Thôi thì nước chảy cánh bèo trôi.
ĐỖ VĂN TÂN
“Cạo mò”!
Buổi sáng sớm, trong quán cháo lòng của bà Năm đầu hẻm khách đông chật cứng. Bác Tám phu công- tra ngồi bàn đối diện với nhóm thợ cạo đang ngồi ăn cháo nhưng trên đầu vẫn còn đội cây đèn pin, chắc là vừa mới cạo mủ xong đây.
– Trời đất, ăn sáng mà đầu còn đội đèn luôn hả bây?
– Thói quen luôn rồi bác ơi!
– Vậy sao. Bác nhớ cái thời cạo đêm, chưa “cạo đèn” bằng pin, hoặc đèn được sạc từ nguồn điện. Có người nghĩ ra làm cây đuốc bằng mủ cao su đốt thắp sáng để “cạo đuốc”. Ai sáng mắt, tay nghề khéo léo thì “cạo mò”… mà thôi. Nói ra bà Năm xỉa xói, không bán cháo lòng cho bác cháu mình ăn sáng nữa thì khổ!
Bà Năm liếc mắt về phía bác Tám: “Hứ!”. Xong, quay qua nói với nhóm thợ: “Đứa nào ăn cháo chưa no, bà cho thêm cháo nghen bây!”. Rồi bà đi vào bếp.
Có tiếng chêm vô:
– “Cạo mò” luôn mới chịu kìa!
– Bây lại khui ra, thôi, bác không giữ bí mật, kể luôn tới đâu đâu rồi bây. À, tới đoạn: Hồi đó, ai “cạo đuốc” mặc kệ, ông Năm thì ra lô “cạo mò” quanh năm (Năm: là tên của ông). Một lần, ông đi ra lô sớm lắm, ông đã “cạo mò” hết phần cây của mình, sang cạo thêm phần cây của bà Năm (kêu theo tên ông, chứ bà tên Cúc. Tên Cúc đẹp mà người cũng đẹp. Lúc còn con gái, nàng Cúc mắt bồ câu long lanh, má lúm đồng tiền đó nghe!). Ông cạo đến cây cuối cùng là xong, thì cũng kiểu thao tác quen thuộc, lấy tay mò, mò miệng cây trước mới đặt dao vô cạo. Thế là, ông mò… trúng bà đang ngồi, bà la lên: “Cậu làm cái gì vậy ?”. Ông hết hồn run rẩy… nói: “Tôi tưởng gốc cây cao su cuối, nên mò tìm miệng cây để cạo cho hoàn tất”. (Cười)…
Từ vụ “cạo mò” cây cao su bị ”lộn tiệm” sang người đó, bà thấy ông thật thà, chân chất và sống tốt với mọi người, mà bà đá giò lái mấy chàng công tử con nhà giàu theo đuổi để ưng ông làm chồng cho tới bây giờ.
– Ông Năm thật là có phúc!
– Đúng rồi. Ông sống rất hiền hậu, luôn giúp đỡ đồng nghiệp, lại thêm có tài “cạo mò” khéo léo. Bởi vậy, bà mê ông là chuyện nhỏ. Thời đó, gái cao su nào chả si mê ông!
– Có khi nào ông Năm “cạo mò” bị “lộn tiệm” là có chủ ý không bác?
– Dám lắm chứ.
Chờ câu nói của bác, bọn trẻ như thấm ý, cười… hả hê. Bà chủ quán nãy giờ hóng chuyện cũng cười sặc sụa theo… làm quên cả nồi cháo, bị lửa cháy bốc mùi nghe khét lẹt.
NGUYỄN CỦ CẢI
Related posts:
- Virus Corona: Làm gì để “quẳng nỗi lo” dịch bệnh đi mà vui sống?
- Khoảnh khắc Hội thi Tiếng hát công nhân cao su 2015
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Thời kỳ phát triển và các bước thăng trầm
- Du lịch mùa nghỉ cạo: Động lực để thi đua, hoàn thành nhiệm vụ
- Sắp công bố kết quả Cuộc thi viết
- Chất liệu từ cuộc sống tạo nên những bài viết hay
- "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh": Ngọt ngào và day dứt với tuổi thơ
- Bữa cơm ấm áp
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024