Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)

(tiếp theo kỳ trước)

GIỚI HẠN
Người Pháp giám sát kỹ thuật khai thác cao su

Những quan chức thuộc địa khuyến khích các nỗ lực điều chỉnh nền giáo dục và kỹ thuật nông nghiệp để phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất mủ – một mục tiêu đáp ứng cả hai phương diện lý thuyết và thực tiễn. Song thực tế dường như hoàn toàn trái ngược với mong muốn cải thiện điều kiện ở vùng nông thôn thuộc hệ thống các đồn điền cao su do người châu Âu sở hữu, những đồn điền này là hiện thân của những mặt trái tồi tệ nhất của chủ nghĩa tư bản.

Cây cao su có tiềm năng đối với sản xuất quy mô nhỏ

Tuy nhiên, các đồn điền chỉ tiêu biểu cho một cách thức để sản xuất cao su và tiêu biểu cho việc du nhập cách thức phù hợp để lấy nhựa mủ cây cao su. Trên thực tế, điều này lại gây ra nỗi lo lắng, khó chịu. Nó thuộc phạm vi những chương trình nhằm cải thiện điều kiện ở bản địa giống như các quan chức thuộc địa mường tượng những cách thức mà cây cao su có thể cải thiện cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Hơn nữa, những kế hoạch 5 năm do chính quyền thuộc địa đề ra vào cuối thập niên 1930 đã làm tăng khả năng và sự khát khao khuyến khích sản xuất giày, lốp xe và khuyến khích phát triển những ngành công nghiệp khác dựa trên các sản phẩm từ cao su.

Cây cao su có tiềm năng đối với sản xuất quy mô nhỏ bởi vì nó đủ nhỏ và đủ rẻ để những nông dân có thể mua và tiêu thụ. Nhưng trong suốt thời kỳ thuộc địa, cao su chỉ được trồng giới hạn ở đồn điền và được xem giống như ngành kỹ nghệ thuộc địa điển hình “quy mô lớn” tương tự ngành đường sắt. Trái ngược với lúa gạo, kỹ thuật trồng cao su không được những tiểu chủ người Việt tích cực áp dụng, và cũng không phải chủ đề được trao đổi nhiều giữa những người nông dân và các nhà nghiên cứu. Yếu tố kinh tế – chính trị của hệ thống kiến thức về cao su đóng vai trò mấu chốt trong việc kìm hãm sự hấp thụ tri thức về sản xuất cao su của những tiểu chủ không phải là người Pháp và cản trở những biện pháp cải tiến của các quan chức thuộc địa cũng như giới trí thức người Việt. Vào thời kỳ đất nước bị chia cắt thành những vùng khác nhau và sự phân chia giai cấp diễn ra mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam, sự du nhập của kỹ thuật sản xuất nhựa mủ mới chỉ làm cho sự phân chia này càng thêm sâu rộng.

Những quảng cáo tìm người làm cho thấy những công việc ở đồn điền đòi hỏi sự lành nghề tương đối hấp dẫn đối với các sinh viên tốt nghiệp từ hệ thống trường ở Đông Dương. Nhưng đến cuối thập niên 1930, rõ ràng nỗ lực khuyến khích sản xuất mủ quy mô nhỏ của các chủ sở hữu người Việt đã thất bại. Mặc dù một số người Việt trồng cao su chiếm hơn 50% số cơ sở trồng cao su thuộc sở hữu của người bản xứ vào năm 1937 – nhưng những cơ sở này của họ chỉ chiếm chưa đến 10% tổng diện tích đất canh tác.

Để đối phó với những khó khăn khi thành lập các cơ sở trồng cao su quy mô nhỏ, một số người Việt đã đề nghị thử trồng những loại cây khác. Một bài báo năm 1935 trên tạp chí Saigon, nhắc lại một thông điệp đã xuất hiện từ một năm rưỡi trước đó, kêu gọi tăng sản lượng ngô, hạt điều và đậu nành để bù đắp sự phụ thuộc quá mức vào cao su và gạo. Do người dân Bà Rịa, Biên Hòa đầu tư quá nhiều vào cao su, đến khi giá cao su rơi vào khủng hoảng trong thập niên 1930 khiến nhiều người phá sản và các vườn cao su thì bị bỏ hoang. Nhiều giải pháp khác nhau đã được xem xét và bị loại bỏ, bao gồm cả việc tăng sản lượng lúa – một giải pháp không thực tế đối với đất rừng và núi; tăng sản lượng cây ăn quả vốn phát triển tốt trong vùng nhưng không thể xuất khẩu để thu về tiền mặt; và tăng diện tích những cánh đồng muối – giải pháp này cũng không đem lại sự giàu có.

Năm 1937, cuộc điều tra của Ủy ban Guernut và những báo cáo khác về cao su bày tỏ nỗi lo lắng của chính quyền về sự thiếu vắng những người sở hữu nhỏ – tình trạng chỉ trở nên tồi tệ hơn trong thập niên 1930. Những lô đất nhỏ nhất ở tỉnh Thủ Dầu Một – chiếm khoảng một phần ba diện tích đất trồng cao su hevea ở Đông Dương – rộng chưa tới 5 ha, và cao su sinh trưởng trên những mảnh đất đó đã giúp tăng thêm nguồn thu nhập của gia đình trong tổng số huê lợi từ những loại cây trồng khác nhau.

Những chủ đồn điền nhỏ này sống khá gần các vùng đô thị, vì họ không có những nguồn lực để khai phá trên diện rộng. Họ hầu như chỉ sử dụng những con đường đã được xây dựng từ trước để đi tới các chợ, sinh sống ở gần các cơ sở y tế ở đô thị, và không phải đối phó với sự bùng nổ của bệnh sốt rét – căn bệnh thường xảy ra ở những vùng đất được phát quang nằm trong những khu vực cách xa các thị trấn làng mạc đã được thành lập từ lâu. Tổng chi phí đầu tư khá thấp, bao gồm cây cối – mua từ những người buôn bán ở địa phương, một con dao rạch mủ, một thùng chứa và công sức lao động của họ và vấn đề chủng tộc và giai cấp rõ ràng đã tác động đến sự lan rộng của các kỹ thuật trồng cao su.

Cao su là một ngành kinh doanh sinh lợi

Nhiều người có địa vị ở địa phương và những người Việt giàu có sinh sống ở các trung tâm dân cư cũng sở hữu những đồn điền nhỏ. Khi thuê một viên cai (caporal) người Việt và vài công nhân thì những hoạt động này trở nên rõ ràng hơn và việc sở hữu của họ thường được thống kê trong các bản Annuaire (Niên giám) – một báo cáo về hoạt động sản xuất mủ ở Đông Dương. Chẳng hạn như một điền chủ 46 tuổi sống ở Bến Cát cùng vợ, sáu đứa con, một con rể, hai cháu trai, một tài xế và ba người hầu. Tổng thu nhập ông kiếm được là 75.400 đồng Đông Dương, trong đó có 72.000 đồng từ cao su, 1.000 đồng từ việc cho thuê ruộng lúa và 2.400 đồng từ việc cho thuê phòng. Trong số nhiều chi phí phát sinh từ đồn điền rộng 500 ha của ông thì 24.000 đồng Đông Dương được chi cho việc thuê mướn khoảng 150 “cu li”. Ở tỉnh Thủ Dầu Một, diện tích đất đai trồng cao su của những điền chủ nhỏ này và lợi tức mà họ thu được chiếm khoảng 1/5 tổng diện tích và lợi tức của các điền chủ bản xứ…

Sự tham gia của người Việt vào hoạt động sản xuất mủ diễn ra trong bối cảnh gia tăng các sáng kiến kinh tế và chính trị của người bản xứ cùng với việc nảy sinh ý thức về chủ nghĩa quốc gia về kinh tế trong một bộ phận thuộc giới tinh hoa người Việt. Đối với một số người Nam Kỳ giàu có, cao su là một ngành kinh doanh sinh lợi. Trương Văn Bền, sinh ra trong cảnh nghèo khó nhưng đã trở thành một chủ hãng buôn giàu có và là thành viên của Hội đồng Quản hạt nhờ tham gia sản xuất cao su. Bền làm chủ nhiều cơ sở công nghiệp, bao gồm những nhà máy xay gạo và Hãng Dầu và Xà phòng Việt Nam. Hoạt động của nhà máy này phụ thuộc vào việc ép các nguyên liệu từ thực vật, và trong thập niên 1930, các kỹ sư nông nghiệp đã khám phá ra rằng hạt cao su hevea là một nguồn cung cấp dầu cho các mục đích công nghiệp. Ngay cả người Việt thuộc tầng lớp trung lưu cũng thường tin tưởng vào cây cao su hevea.

Hồ Văn Lang, sinh ra ở Sa Đéc, Nam Kỳ, là thư ký của Hiệp hội Chủ Đồn điền Cao su Đông Dương, đến năm 1926, ông ta đã kiếm đủ tiền thông qua hoạt động sáng tác và xuất bản để mua được 40 ha đất trồng cao su. Các chủ đồn điền người Việt tương đối khá giả và vị thế kinh tế cũng ảnh hưởng đến lập trường chính trị của họ. Những quan điểm chính trị này có thể kể đến xu hướng bảo thủ của Nguyễn Văn Của – được biết tới là chủ nhà in chính thức cho chính quyền và là người ủng hộ chính quyền thuộc địa – cho đến quan điểm chính trị độc lập, tiến bộ hơn của Trương Văn Bền.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TP.HCM, tháng 6/2023)

(Xem tiếp kỳ sau)