CSVNO – Ông Dương Văn An – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa có bức “tâm thư” gửi lãnh đạo các cơ quan, tổ chức Đảng toàn tỉnh, nói về công tác sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ.
Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều nỗ lực trong kiện toàn, thay thế, bổ sung, bố trí cán bộ cho những nơi khuyết, thiếu do bị xử lý hình sự, bị kỷ luật hoặc nghỉ hưu. Nhìn chung, công tác cán bộ được thực hiện công tâm, khách quan; trên cơ sở yêu cầu công việc, phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực, uy tín, sự tín nhiệm của tập thể để lựa chọn “đúng người, đúng việc”. Từ nay đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tỉnh ta tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp vững mạnh, gắn với chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Để công tác cán bộ trong thời gian tới đạt kết quả tốt, tôi xin trao đổi một số nội dung sau:
1. Trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà, nhất là từ sau khi tái lập tỉnh đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã dành nhiều tâm sức xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ của tỉnh luôn gắn bó, đoàn kết, phát huy truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương, vượt qua khó khăn, thử thách, năng động, sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, đưa Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong 10 địa phương có số thu ngân sách hàng năm và thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Tuy nhiên, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, đánh giá cán bộ có lúc, có nơi chưa thực chất, dẫn đến bố trí cán bộ chưa phù hợp. Một bộ phận cán bộ trình độ, năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số ít suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự. Đây là bài học đắt giá cần rút ra trong công tác cán bộ và phát huy trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ.
2. Vĩnh Phúc đã bước qua giai đoạn “vàng” của tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh từ năm 2020 đến nay không bền vững, dự kiến giai đoạn 2020-2025 không đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Thu ngân sách sụt giảm, từ năm 2020 đến nay năm sau thấp hơn năm trước. Dư địa và không gian cho phát triển không còn nhiều; tốc độ phát triển của tỉnh có xu hướng chững lại trong khi đó các địa phương trong vùng và lân cận có cùng điều kiện tương tự đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc nội tại của tỉnh chưa được tháo gỡ một cách hiệu quả.
Yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên, cùng người dân, doanh nghiệp cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, kế thừa, phát huy kinh nghiệm và thành tựu mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng nên, tìm hướng đi mới, đột phá, không bỏ lỡ cơ hội phát triển trong giai đoạn mới.
3. Bác Hồ từng căn dặn “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đảng ta xác định, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ là nhân tố quyết định, công tác cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết”. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng xác định công tác cán bộ là một trong 3 đột phá trong giai đoạn tới.
4. Trước yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay, chúng ta cần dồn nhiều công sức, tâm huyết, với trách nhiệm cao và sự trong sáng cho công tác cán bộ; phải quyết tâm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ của tỉnh có phẩm chất, uy tín, trình độ, năng lực đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sứcđưa tỉnh vững bước đi lên; trong đó, thống nhất một số nội dung như sau:
– Thực hiện nhất quán tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác cán bộ. Trong sắp xếp, bố trí, sử dụng phải lựa chọn những cán bộ thật sự có đức, có tài, tâm huyết, vì dân, vì nước, vì lợi ích chung. Trong đó, lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công việc và uy tín là thước đo, là tiêu chí hàng đầu. Thực hiện các nội dung công tác cán bộ, nhất là đánh giá, nhận xét, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải được bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng quy định.
– Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đối với công tác nhân sự; kiên quyết không để “lọt” vào cấp uỷ khoá mới những người: phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”… Thực hiện tốt Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
– Từng đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng khi xem xét, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ vào vị trí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trực thuộc do mình quản lý và trong hệ thống chính trị; không tác động, can thiệp để đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tín nhiệm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với “người nhà”, “người quen”. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tự giác không nhờ “người thân”, “người quen”, lãnh đạo cấp trên tác động để xin quy hoạch, xin sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm chức vụ cao hơn hay công việc “tốt” hơn.
5. Chúng ta đang ở giai đoạn khó khăn, càng khó khăn càng đòi hỏi nỗ lực cố gắng nhiều hơn, lựa chọn cán bộ kỹ lưỡng hơn, để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Phía trước mỗi quyết định về công tác cán bộ, trên vai mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý là sự nghiệp của một cơ quan, tổ chức, địa phương – nhìn rộng hơn là sự nghiệp của Đảng bộ, là sự phát triển của địa phương, là đời sống, hạnh phúc của Nhân dân tỉnh nhà. Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm lớn lao của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu; tôi mong các cấp, các ngành và các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý gương mẫu, phát huy tinh thần trách nhiệm với sự trong sáng vì sự nghiệp chung khi thực hiện công tác cán bộ; mong cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, cùng chung sức, đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
CTV
Related posts:
- Cao su Bình Thuận tổ chức hội thi ẩm thực “ Hương vị ngày Xuân”
- 239 trại sinh tham gia trại hè tại Đà Lạt
- Thăm vườn cây cao su 111 tuổi
- Hà Tây vô địch giải bóng đá mini Cao su Chư Păh
- Nhạc sĩ Minh Huề: Cảm xúc thăng hoa bên cánh rừng cao su
- Nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ
- Độc đáo cồng chiêng nữ
- Người thợ ảnh già vất vả mưu sinh
- Ngành cao su bền vững muôn năm!
- "Nàng heo" may mắn