Công nhân Hà Giang gắn bó với cây cao su

CSVN – “Công nhân đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang rất chịu khó học hỏi, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc” – Đó là nhận xét của lãnh đạo, cán bộ trực tiếp quản lý công nhân khai thác tại các tổ đội sản xuất thuộc NT Cẩm Đường – TCT Cao su Đồng Nai.

Vợ chồng anh Cù Sèo Lành ăn trưa tại căn phòng riêng rộng rãi mà NT bố trí cho mỗi gia đình.
Chịu khó học hỏi, nâng cao tay nghề

Rời vùng quê miền núi Vị Xuyên – Hà Giang, theo mẹ vào làm công nhân khai thác tại Tổ 3, NT Cẩm Đường, chị Giàng Thị Hiền mong muốn có cuộc sống đổi thay sau nhiều vất vả phụ gia đình làm nương rẫy ở quê. Với bản tính hiền lành, chịu khó học hỏi, sau 4 tháng cô gái sinh năm 2004, dân tộc H’Mông đã là thợ cạo lành nghề với mức thu nhập ổn định.

Giàng Thị Hiền vui vẻ tâm sự: “Mỗi ngày em có thể cạo được 900 cây và được trả lương từ 8 – 9 triệu đồng mỗi tháng. Em thấy công việc làm công nhân cạo mủ rất tốt, thu nhập ổn định hơn so với việc làm nương làm rẫy ở quê vất vả, thu nhập bấp bênh, không có tiền tích trữ. Làm việc tại đây gia đình em và bà con được chăm lo đầy đủ các chế độ phúc lợi xã hội, thường xuyên được các tổ chức chính quyền, đoàn thể công ty, NT đến thăm hỏi, động viên, định kỳ đều tổ chức các chương trình tặng quà, tổ chức lễ hội văn hóa… nên em thấy vui và hăng hái làm việc”. Chị Nguyễn Thị Yến Ly – Tổ trưởng Tổ 3 cho biết thêm: “Giàng Thị Hiền chịu khó, chăm chỉ trong công việc, tiếp thu rất nhanh kỹ thuật khai thác mủ nên tay nghề ngày càng được nâng cao. Hiền là một trong những công nhân người đồng bào có tay nghề khá, em làm việc tận tâm, cạo hết cây, tận thu hết mủ nên sản lượng tháng nào cũng cao, thu nhập ổn định. Em là tấm gương cho anh chị em công nhân noi theo”.

Cùng nhau vượt khó cải thiện đời sống

Với mong muốn cuộc sống được đổi thay, trong những năm gần đây đông đảo người đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang đã khăn gói cùng nhau vào làm công nhân tại các công ty cao su Đông Nam bộ. Ví như vợ chồng anh Cù Sèo Lành và chị Thào Thị Tòng người đồng bào dân tộc H’Mông ở Vị Xuyên – Hà Giang. Qua hơn 2 năm làm công nhân khai thác, cuộc sống gia đình anh đã ngày một khấm khá hơn.

Anh Cù Sèo Lành vui vẻ kể với chúng tôi: “Làm công nhân cao su giúp gia đình mình có cuộc sống ổn định hơn rất nhiều. Mỗi tháng 2 vợ chồng thu nhập hơn 16 triệu và dư ra được hơn 10 triệu để gửi về quê cho các con ăn học và còn gửi ngân hàng. Gia đình mình và nhiều gia đình khác không chỉ được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách, mà còn được hỗ trợ tiền tàu xe đi lại, được bố trí chỗ ở khang trang, sạch đẹp, hỗ trợ nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, sinh hoạt văn hóa… giúp chúng mình an tâm, gắn bó lâu dài với công việc”. Anh Bùi Xuân Khánh – Tổ trưởng sản xuất, phụ trách quản lý khu nhà ở công nhân thuộc Đội 3 cho biết thêm: “Được sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo các cấp, NT có 4 khu nhà ở tập thể, một phần được cải thiện từ các đội sản xuất, còn lại là nhà tiền chế với tổng cộng 96 phòng, đủ để cho 196 công nhân và gia thuộc sinh sống. Khu nhà ở có không gian riêng, vườn rau tập thể để chiều về công nhân chăm sóc, cải thiện đời sống, chơi thể thao”.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là công nhân khai thác, trong những năm gần đây TCT Cao su Đồng Nai đã có nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút lao động ngoại tỉnh, nhất là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Giang vào làm công nhân. Công ty hiện có 517 công nhân người đồng bào ở Hà Giang vào sinh sống và làm việc, nhiều nhất là NT Cẩm Đường 192 người, NT Long Thành 123 người. TCT đã ổn định được nguồn lao động nhờ chính sách thu tuyển lao động hiệu quả.

VŨ PHONG