CSVN – Ngày 27/6, VRG đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN/CCN) đến năm 2024 và định hướng phát triển giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đây là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, góp phần gia tăng và phát huy hiệu quả sử dụng đất của Tập đoàn, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị theo nhiệm vụ được giao.
Tăng tưởng tốt giai đoạn 2015 – 2020
Lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN được Tập đoàn bắt đầu đầu tư từ năm 1995, sau năm 2000 khi các tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển mạnh các KCN để thu hút đầu tư nước ngoài, các địa phương có xu hướng quy hoạch các KCN trên đất cao su vì đáp ứng các điều kiện như cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, các diện tích đất cao su thuận lợi trong việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, chi phí đền bù thấp vì không đền bù tiền đất và giải phóng mặt bằng nhanh.
Hiện nay, Tập đoàn đang đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN gồm: Công ty CP KCN Nam Tân Uyên, Công ty CP PTĐT & KCN Cao su Việt Nam, Công ty CP KCN Bắc Đồng Phú, Công ty CP Công nghiệp An Điền, Công ty CP KCN Long Khánh, Công ty CP KCN Dầu Giây, Công ty CP KCN Tân Bình, Công ty CP KCN Cao su Bình Long, Công ty CP ĐTPT VRG Long Thành, Công ty CP Thống Nhất, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê.
Các công ty đang đầu tư và khai thác 14 KCN với tổng diện tích 4.126,5 ha; nằm tập trung tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai và Hải Dương. Trong thời gian qua, các KCN Tập đoàn đã thu hút hơn 710 dự án đầu tư, trong đó 394 dự án FDI và 316 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là 3.815 triệu USD và 34.295 tỷ đồng. Các dự án KCN đã đem về doanh thu 18.243 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.625 tỷ đồng và đã tạo ra việc làm cho khoảng 200.000 lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 7.052 tỷ đồng.
Phần cổ tức Tập đoàn nhận từ các Công ty thành viên KCN trong thời gian qua (đến hết năm 2023) hơn 3.036 tỷ đồng (bình quân đạt 253% số vốn góp), chủ yếu từ năm 2018 đến nay, giai đoạn trước đó các KCN đang giai đoạn đầu tư, giá cho thuê đất thấp nên hiệu quả không cao.
Trong thời gian qua, các đơn vị thành viên Tập đoàn đã thực hiện đăng ký đầu tư 5 CCN với tổng diện tích 312 ha, gồm: Minh Hưng 1 (44 ha), Minh Hưng 2 (33 ha), Phú Riềng (75 ha), Bù Nho 1 (50 ha), Thanh Phú (60 ha), Long Tân (50 ha).
Hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN đã phát triển mạnh mẽ, có hiệu quả và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu lợi nhuận của Tập đoàn, tăng tưởng tốt giai đoạn 2015-2020. Ông Đỗ Hữu Phước – Phó TGĐ VRG nhận định: “Qua kết quả thực hiện các KCN của Tập đoàn thời gian qua, có thể nhận thấy tác động to lớn, mạnh mẽ của các KCN đối với sự phát triển của Tập đoàn nói riêng và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nơi đóng chân. Các KCN của Tập đoàn đã tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật mới, hiện đại, có giá trị lâu dài không chỉ đối với Tập đoàn mà còn góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng trên cả nước. Góp phần tích cực trong thu hút vốn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trên địa bàn đứng chân cũng như đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, và lợi ích của Nhà nước”.
Hoạt động đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN trên đất cao su của Tập đoàn góp phần tạo việc làm cho người dân và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Đồng thời, cùng chính quyền địa phương đảm bảo giữ vững tình hình an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự xã hội tại các KCN do Tập đoàn đầu tư.
Định hướng chiến lược phát triển phù hợp
Thời gian vừa qua là giai đoạn hết sức khó khăn đối với Tập đoàn. Trong bối cảnh thời tiết khí hậu tác động tiêu cực đến ngành cao su, đến việc căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, kinh tế một số nước lớn đang trên bờ vực suy thoái… đã tác động rất lớn đến hoạt động SXKD của Tập đoàn. Trong đó lĩnh vực đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN/CCN cũng chịu ảnh hưởng không kém. Trong 6 tháng đầu năm, kế hoạch đầu tư vẫn chưa thực hiện vì: KCN Nam Tân Uyên mở rộng chưa được ký hợp đồng thuê đất để xin phép xây dựng, các công ty khác thì vướng quy hoạch đất đến kỳ 2025 nên chưa triển khai; về kế hoạch kinh doanh thì diện tích cho thuê lại đất KCN mới chỉ đạt 0,5 ha so với kế hoạch là 244 ha. Doanh thu 538 tỷ, lợi nhuận 338 tỷ (đạt 36% kế hoạch năm 2024).
“Từ các số liệu trên cho thấy, trong thời gian tới các công ty KCN phải tập trung quyết liệt hơn nữa trong việc tiếp cận các sở ngành chuyên môn ở địa phương và Bộ ngành Trung ương để có được chủ trương đầu tư mở rộng các KCN như Rạch Bắp, Minh Hưng 3, Bắc Đồng Phú, Dầu Giây. Còn các KCN Nam Tân Uyên mở rộng và Nam Pleiku phải có kế hoạch và phương án đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đảm bảo đủ điều kiện cho thuê đất trong năm 2024” – Phó TGĐ VRG Đỗ Hữu Phước, cho biết.
Hiện tại quỹ đất công nghiệp để cho thuê lại của tất cả các công ty hạ tầng đều không còn để cho nhà đầu tư thuê. Việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KCN mất nhiều thời gian vì chịu tác động từ các chính sách như: quy hoạch sử dụng đất của địa phương phải phù hợp với chỉ tiêu đất KCN trong kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022; về xử lý tài sản công trên diện tích khu đất trồng cây cao su chuyển đổi sang đầu tư KCN/CCN theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021; về thẩm giá đất để làm cơ sở ký hợp đồng cho thuê đất… Từ đó cần giải pháp lâu dài trên cơ sở phải quan tâm kiện toàn bộ máy tổ chức, chính sách thu hút nhà đầu tư, và chiến lược phát triển phù hợp đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN trong thời gian tới.
Đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định lâu dài
Lĩnh vực phát triển KCN trên đất trồng cao su theo quy hoạch của địa phương được định hướng sẽ là một trong những động lực chính trong sự phát triển của Tập đoàn với mục tiêu phấn đấu là trở thành doanh nghiệp đứng đầu cả nước trong lĩnh vực phát triển KCN/CCN. Để cụ thể hóa các định hướng của chiến lược phát triển VRG, HĐQT và Ban TGĐ đã kịp thời chỉ đạo các ban chuyên môn Tập đoàn trên cơ sở quy hoạch các tỉnh thành thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổ chức rà soát xây dựng đề án phát triển KCN trên địa bàn các tỉnh Miền Đông Nam bộ (ĐNB) để trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tập đoàn dự kiến sẽ thực hiện đầu tư một số KCN quy hoạch trên đất trồng cao su theo quy hoạch các tỉnh ĐNB. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai đầu tư KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục để đầu tư mở rộng các KCN hiện hữu và đầu tư mới một số KCN. Cụ thể: giai đoạn đến năm 2030, sẽ đăng ký làm chủ đầu tư các KCN mở rộng và KCN thành lập mới với tổng diện tích 10.122 ha (bao gồm KCN Hiệp Thạnh tỉnh Tây Ninh 573,8 ha), qua đó nâng tổng diện tích KCN lên khoảng 14.248 ha. Giai đoạn sau năm 2030, sẽ tiếp tục đăng ký đầu tư thành lập mới và mở rộng thêm khoảng 8.927 ha, nâng tổng diện tích KCN của Tập đoàn khoảng 23.175 ha.
Với tổng diện tích dự kiến Tập đoàn và các đơn vị thành viên đăng ký làm chủ đầu tư, dự báo sẽ giúp đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận ước tính trong cùng khoảng thời gian 50 năm thì lợi nhuận bình quân đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN mang lại khoảng 7 tỷ đồng/ha, cao hơn lợi nhuận bình quân trồng cao su khoảng 1,5 tỷ đồng/ha. Với nguồn doanh thu, lợi nhuận hình thành từ các KCN do Tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư trong thời gian tới giúp bù đắp ảnh hưởng tiêu cực của việc giảm diện tích đất trồng cao su và giúp đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định lâu dài của Tập đoàn trong thời gian tới.
“Bên cạnh việc thực hiện việc mở rộng các KCN, CCN thì việc nghiên cứu thêm các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, CCN hiện hữu là rất cần thiết. Các giải pháp này sẽ giúp tạo tác động tích cực không chỉ với các KCN, CCN hiện hữu mà sẽ góp phần rất lớn vào việc hoàn thành chiến lược phát triển KCN của Tập đoàn trong thời gian tới. Ban Phát triển và Quản lý KCN VRG sẽ phối hợp với các chủ đầu tư KCN thành viên Tập đoàn để nghiên cứu xây dựng các giải pháp phù hợp để triển khai áp dụng, như: giải pháp tăng doanh thu như đầu tư nhà xưởng cho thuê, kho bãi cho thuê, các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư; các giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, tăng cường hiệu quả chia sẻ thông tin giữa các chủ đầu tư cùng với các giải pháp để phát triển sâu rộng các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, xem đây là yếu tố trọng tâm để xây dựng thương hiệu KCN VRG” – ông Trần Quốc Thái – Phó Ban thường trực Ban Phát triển và Quản lý KCN VRG, chia sẻ.
THIÊN HƯƠNG
Related posts:
- Do đâu giá thuê đất khu công nghiệp phía Nam tăng mạnh?
- Tổng lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TP HCM đánh giá cao hoạt động của VRG
- VRG làm tốt công tác thi đua khen thưởng
- Ứng dụng bảng tính Google sheets trong quản lý sản lượng
- Cao su đứng vững ở miền núi phía Bắc
- Thanh niên VRG kế thừa truyền thống, góp sức xây dựng Tập đoàn phát triển
- Cao su Lai Châu II thiệt hại 3,6 tỷ đồng do mưa đá, gió lốc
- Thành lập Câu lạc bộ Khu công nghiệp trực thuộc VRG
- Ông Đỗ Hữu Huy - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp:...
- Hội thao CNVC LĐ VRG năm 2024 dự kiến tổ chức tại 5 khu vực với 7 môn thi đấu