Cao su đứng vững ở miền núi phía Bắc

CSVN – Từ năm 2007, những cây cao su đầu tiên trong chương trình phát triển cao su tại miền núi phía Bắc (MNPB) theo chủ trương của Đảng và Nhà nước được VRG trồng ở bản Phiêng Tìn, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Sau đó, diện tích cao su dần được mở rộng ra các tỉnh MNPB, đến nay cũng vừa tròn 15 năm. Chặng đường ấy, đủ để xóa tan những hoài nghi, trăn trở và khúc mắc của không ít người dân địa phương, các nhà khoa học, dư luận… của những ngày đầu khi cây cao su đến với vùng cao.

Tập huấn khai thác tại Cao su Mường Nhé Điện Biên.

15 năm bén rễ ở vùng ngoài truyền thống, cây cao su và người làm cao su đã gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Ngoài địa hình đồi núi trắc trở, thời tiết thì cây cao su còn gặp khó với những nghi ngại. Có không ít người đặt ra nghi vấn: “Cây cao su có sống được ở miền núi phía Bắc không?”. Rồi khi cao su sống được thì: “Cao su có mủ không?”.

Do vậy, hành trình 15 năm, ngoài những nỗ lực để đưa cao su “đứng” vững, sống được trên đồi thì biết bao NLĐ của các đơn vị MNPB đã nỗ lực trong việc xóa tan nghi ngại và giúp cao su “đứng vững trong tư tưởng” của người dân nơi đây và dư luận xã hội. Hành trình đó quả không phải dễ dàng.

Nhìn lại 15 năm qua, có những lúc cao su ở MNPB bị “hàm oan”, nhất là vào thời điểm giá mủ xuống thấp, dư luận xã hội lại dấy lên những nghi ngại khiến khu vực “khó nhất” của VRG càng thêm khó. Công bằng mà nói, nhìn rộng ra bức tranh toàn cảnh của ngành nông nghiệp Việt Nam, giá cả nông sản bất cứ loại nào đều tùy thuộc vào thị trường, vào quy luật cung – cầu. Giá tăng, giá giảm là chuyện thường tình. Đối với cao su, thời gian kiến thiết cơ bản dài hơi hơn những loại cây khác. Do đó để đánh giá được hiệu quả cần phải có thời gian.

Sau 15 năm, tuy các cơ quan Trung ương, Bộ ngành và địa phương chưa có Hội nghị đánh giá kết quả của cây cao su ở MNPB nhưng bức tranh hiện thực về cao su tại đây đã được thể hiện rõ. Hơn 29.000 ha cao su đã đứng vững và diện tích mở cạo mỗi năm lại càng nhiều, người dân góp đất ngoài việc được nhận vào làm công nhân cao su, có thu nhập ổn định, được đảm bảo các chế độ chính sách và còn được chia % sản phẩm cao su, diện mạo bản làng nay thay đổi hơn so với trước.

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, giúp bà con vùng cao có cuộc sống ổn định thì thành quả lớn nhất mà VRG và các đơn vị ở MNPB đạt được khi phát triển cao su tại đây đó chính là cây cao su đã dần “bén rễ” vào lòng người, vào tâm trí của bà con thôn bản. Người dân bản làng thêm tin tưởng rằng “loài cây biết khóc” này đã cho mủ, giúp cuộc sống đổi thay, tiến bộ hơn trước. Thử thách lớn nhất đã vượt qua, các đơn vị thuộc VRG tiếp tục quản lý tốt vườn cây, hoạt động SXKD dần đi vào hiệu quả, không phụ lòng Đảng và Nhà nước đã tin tưởng.

HÀ KHUÊ