Công nhân đồng bào dân tộc góp sức xây dựng đơn vị phồn vinh

CSVN – Nông trường Tân Hưng, Công ty CP Cao su Đồng Phú là đơn vị có đông công nhân lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Theo cơ cấu lao động của nông trường tính đến ngày 31/5/2024 có 369 người. Trong đó, lao động gián tiếp 18 người; lao động trực tiếp 351 người; lao động dân tộc ít người 304 người, chiếm 83%. Những năm qua, lực lượng công nhân lao động trẻ đồng bào dân tộc thiểu số đã, đang tích cực chung sức xây dựng nông trường ngày càng khởi sắc, phồn vinh.

Anh Lương Văn Chay chăm chút trong từng đường cạo
Tích cực chung sức xây dựng nông trường

Từ mờ sớm, khi sương mù còn bàng bạc không gian vùng đồi cao su và con đường chính vào trung tâm nông trường, chúng tôi đã có mặt. Anh Nguyễn Hữu Long, trợ lý phòng Tổ chức hành chính nông trường vừa trông thấy chúng tôi, liền ra đón, vui vẻ nói: “Tối qua, trời mưa nên các con đường đất tương đối khó đi. Anh em mình đi một chiếc xe. Để em đèo anh. Em quen đường…”.

Đến tổ 5, liên tổ 2 khi công nhân đang nghỉ giải lao sau bữa cơm giữa ca, chúng tôi có dịp tiếp cận đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Khơ Mú là Lương Văn Chay, sinh năm 1995 và vợ là Xeo Thị Thoong, sinh năm 1996, đều ở bản Quyết Thắng, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Vợ chồng anh Chay vào Nông trường Tân Hưng làm việc từ tháng 2/2022. Từ những nỗ lực vượt khó và kết quả đạt được, năm 2022 và 2023, hai vợ chồng được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Riêng trong năm 2023, công nhân Lương Văn Chay được đề nghị khen thưởng Bằng khen của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chị Xeo Thị Thoong được nhận Bằng khen của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Tâm sự với chúng tôi, vợ chồng chị Thoong cho biết: “Thường thì một ngày làm việc, mỗi người cạo từ 500 – 550 cây. Sáng thức dậy lúc 3 – 4 giờ để có mặt tại lô cao su cạo mủ, đến khoảng 7 giờ là xong. Công việc tiếp theo là đi bốc mủ tạp, rồi vào ăn bữa cơm giữa ca, cơm nông trường nấu và đưa ra tận nhà tổ. Sau đó nghỉ ngơi, 8 giờ 30 phút xách xô đi trút mủ. Công đoạn trút mủ và giao mủ kéo dài khoảng 1 tiếng là xong. Thường thì 10 giờ là công nhân ở đây xong việc, về nhà ăn cơm trưa, chiều làm việc nhà và nuôi dạy con cái (nếu có)”.

Một trong những hạt giống tích cực của đơn vị

Anh Chay tiếp lời: “Công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số như chúng em thích ứng với công việc mới rất nhanh. Đến đây làm việc, mọi người được nông trường sắp xếp nơi ăn ở chu đáo, được đào tạo nghề miễn phí trước khi giao khoán vườn cây khai thác. So với những công việc khác, nghề cạo mủ có vất vả hơn, nhưng bù lại thu nhập ổn định ở mức khá. Nếu có bận việc nhà, ốm đau thì có thể nhờ người khác làm thay, sau đó đổi trả công. Vợ chồng em thu nhập lương tháng hơn 10 triệu đồng/người, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… đều công ty lo hết. Đau ốm được trạm y tế nông trường chăm sóc thuốc men…”.

Chị Thoong cười với ánh mắt tươi vui. Chị khoe, hai vợ chồng ở khu dân cư 2 của nông trường được các anh chị cán bộ Công đoàn chăm lo rất tốt. Năm nào vợ chồng cũng được đơn vị tặng quà và hỗ trợ tiền tàu xe về quê đón Tết.

“Cứ đến ngày cuối năm là không khí xúc động và yêu thương lắm anh ạ. Công đoàn nông trường tổ chức tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đoàn Thanh niên công ty trao hàng chục suất quà cho Đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết. Bên cạnh đó, nông trường tổ chức bữa cơm thân mật cuối năm cho toàn thể 420 cán bộ, công nhân viên trước khi lên xe về quê đón Tết cổ truyền”, chị hồ hởi cho hay.

Vợ chồng chị Thoong có 2 cháu trai đang ở quê với ông bà nội, cháu lớn được 6 tuổi, cháu nhỏ được 3 tuổi. Anh Nguyễn Hữu Long cho biết thêm, vợ chồng anh Chay, chị Thoong không những gương mẫu, cần mẫn trong công việc được giao mà còn thường xuyên kèm cặp hướng dẫn những công nhân mới vào tay nghề còn yếu. Anh chị còn là một trong những hạt giống tích cực của đơn vị trong các phong trào thi đua.

DUY HIẾN