Giá cao su xuất khẩu sẽ biến động ra sao trong quý II/2024?

CSVN – Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó TGĐ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trong quý II, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn do lo ngại nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc, khi gần 80% cao su nước ta xuất đi quốc gia này. Dự kiến, giá cao su xuất khẩu tại Việt Nam có thể về dưới 1.500 USD/tấn, tuy giảm nhẹ so với thời điểm hiện tại nhưng vẫn là mức cao so với năm trước.

Nguồn: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam.

3 tháng đầu năm, thị trường cao su thế giới đã chứng kiến thêm nhiều kỷ lục mới trên hai Sở giao dịch Osaka (OSE) tại Nhật Bản và Sở giao dịch Thượng Hải (SHFE) của Trung Quốc. Đáng chú ý, giá cao su giao dịch trên Sở OSE đã chạm mức cao nhất 7 năm vào ngày 15/3 với giá đóng cửa 352 Yên/ kg, tăng lần lượt 36% và 57% so với đầu năm 2024 và cùng kỳ năm 2023.

Trên thị trường nội địa, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam cũng liên tục tăng trong 3 tháng đầu năm. Trong 15 ngày đầu tháng 3, trung bình mỗi tấn cao su nước ta xuất khẩu thu về khoảng 1.550 USD, tăng 10% so với giá xuất khẩu trung bình trong tháng 1 và cao hơn 140 USD mỗi tấn so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận của MXV cho thấy, nguyên nhân chính đẩy giá cao su bứt phá trong thời gian gần đây xuất phát từ tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Tình hình mưa lớn kéo dài kết hợp cùng cảnh báo bão và lũ lụt xảy ra tại Thái Lan, quốc gia cung ứng cao su lớn nhất thế giới khiến thị trường đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Hơn thế, giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 cùng là thời điểm thu hoạch thấp điểm tại các quốc gia Đông Nam Á. Kết hợp cùng việc chịu ảnh hưởng xấu từ thời tiết, càng khiến lo ngại về nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó hỗ trợ giá tăng.

Ngoài ra, tín hiệu tích cực từ phía nhu cầu ngoài Trung Quốc cũng là yếu tố góp phần hỗ trợ giá trong những tháng đầu năm 2024. Ấn Độ – quốc gia nhập khẩu cao su lớn hàng đầu thế giới đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại xe điện được sản xuất bởi các nhà sản xuất ô tô cam kết đầu tư ít nhất 500 triệu USD và bắt đầu sản xuất trong nước trong vòng 3 năm. Điều này hứa hẹn sẽ là bước tiếp mới với ngành công nghiệp ô tô của quốc gia tỷ dân và đi kèm với đó là nhu cầu về cao su cũng tích cực hơn cho hoạt động sản xuất lốp xe.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, trong quý II, giá cao su thế giới khả năng cao sẽ không còn “quá nóng” như những tháng đầu năm. Lo ngại nhu cầu cao su sẽ chững lại tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới có thể là áp lực chính đối với giá trong thời gian tới. Cụ thể, tình hình kinh tế tại Trung Quốc không mấy khả quan, đặc biệt, doanh số bán ô tô – ngành sử dụng cao su hàng đầu đang có dấu hiệu tăng trưởng chững lại. Hai tháng đầu năm nay, nhập khẩu các sản phẩm cao su của Trung Quốc cũng đã giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 451.170 tấn.

Dù vậy, nguồn cung cao su chịu tác động xấu từ thời tiết, đặc biệt tại các nước sản xuất hàng đầu như Thái Lan có thể khiến giá không có nhịp điều chỉnh giảm quá mạnh trong quý II tới. Theo nhận định của MXV, trên thị trường nội địa, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn do lo ngại nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc khi gần 80% cao su nước ta xuất đi quốc gia này. Dự kiến, giá cao su xuất khẩu tại Việt Nam có thể về dưới 1.500 USD/ tấn, tuy giảm nhẹ so với thời điểm hiện tại nhưng vẫn là mức cao so với năm trước.

P.V (tổng hợp)