CSVN – Bà Zuraida Kamaruddin, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia (MPIC) cho biết khoảng 400.000 ha hay 40% tổng diện tích cao su tiểu điền nước này đang bị bỏ hoang hoặc sản xuất không ổn định do không có người cạo mủ trong khi chủ vườn đã lớn tuổi và không còn muốn quản lý vườn cao su.
Bộ và các cơ quan liên quan đang tìm cách giải quyết thực trạng này, trong đó có những biện pháp như thành lập hợp tác xã tại các vùng cao cao su để liên kết các hộ tiểu điền. Các hợp tác xã có thể quản lý các diện tích cao su bị bỏ hoang hoặc sản xuất không ổn định để tối ưu hóa sản lượng cao su hoặc thảo luận với các chủ đất để tiếp quản các vườn cây bị bỏ hoang. Theo bà Zuraida, nếu toàn bộ 150.000 vườn cao su tiểu điền được quản lý một cách hiệu quả và nhất quán, xuất khẩu cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su của Malaysia có thể vượt mức 71 tỷ Ringgit (khoảng 16,86 tỷ USD) của năm 2021.
Việc xây dựng Trung tâm Sơ chế Cao su Crepe ở Lubuk Merbau sẽ đem lại các cơ hội mới cho hộ tiểu điền trong chuỗi sản xuất cao su, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom và phân phối cao su. Bà Zuraida cho biết trung tâm sẽ sơ chế mủ đông thành Crepe để có thể bán được với giá cao hơn và giúp tiểu điền tăng thu nhập từ 2.000 – 2.500 Ringgit/ tháng (khoảng 474 – 593 USD/tháng) so với 1.500 – 1.800 Ringgit/tháng (khoảng 356 – 427 USD/tháng) từ việc bán mủ đông.
Bà Zuraida Kamaruddin cho biết nhu cầu mủ latex thực tế của Malaysia khoảng 400.000 tấn mỗi năm, nhưng quốc gia này chỉ có thể sản xuất dưới 10% nhu cầu. Trong 5 năm tới, MPIC đặt mục tiêu sản xuất 200.000 tấn mủ latex mỗi năm theo khuôn khổ Chương trình Hành lang Cao su Bờ Đông, sáng kiến nhằm phát triển một hành lang cao su dọc theo các bang ven vùng biển phía Đông Malaysia với sự tham gia của 200.000 người trồng cao su ở các bang Kelantan, Terengganu và Pahang.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đang triển khai chương trình Khuyến khích sản xuất Latex (IPL) để tạo điều kiện và hỗ trợ những người người trồng cao su tăng sản lượng mủ. Chương trình được phát động vào ngày 19/3/2022, với sự tham gia của bà Zuraida Kamaruddin, Phó Tổng Thư ký.
Hoạch định và quản lý chiến lược của MPIC – ông Abduỉ Hadi Omar và Tiến sĩ Zairossani Mohd Nor – Tổng Giám đốc Tổng cục Cao su Malaysia (MRB). Chính phủ Malaysia đã chi 25,1 triệu Ringgit (khoảng 5,93 triệu USD) thông qua IPL để tăng sản lượng mủ latex, cũng như tăng thu nhập của doanh nghiệp sản xuất cao su. Nguồn vốn này cũng sẽ được sử dụng để tạo cơ hội cho tiểu điền cao su tăng thu nhập bằng cách khuyến khích sản xuất mủ latex thay vì mủ đông. Mỗi tiểu điền tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ sản xuất, như phân bón và thuốc trừ sâu, trị giá 850 Ringgit/ha (khoảng 201,8 USD/ha) cũng ưu đãi tiền mặt 1 Ringgit cho 1 kg cao su quy DRC.
Ngoài ra, khi tham gia chương trình thông qua MRB, các hợp tác xã hoặc đơn vị được cấp phép thu mua cao su có thể mượn thiết bị đo DRC – máy công nghệ RRIMETER trị giá 140.000 Ringgit (khoảng 33,24 nghìn USD). Các đơn vị trên cũng sẽ được hỗ trợ xây dựng hoặc nâng cấp một trung tâm thu gom mủ cao su. 50.000 Ringgit (khoảng 11,87 nghìn USD) đã được chi để phát triển trung tâm hoặc cơ sở thu gom mủ và các thiết bị liên quan. Đến nay, chương trình đã nhận được 46.000 đơn xin tham gia, trong đó 5.000 đơn đã được chấp nhận.
P.V (theo VRA)
Related posts:
- Cao su Phước Hòa chia cổ tức 20%
- Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng dữ liệu thông tin về thị trường nông sản
- Thủy điện VRG Bảo Lộc chia cổ tức 16%
- Cao su Đồng Phú chia cổ tức 50%/mệnh giá
- Giá cao su tự nhiên có chuẩn bị phá vỡ xu hướng?
- Ngành chăn nuôi lao đao, nông dân thiệt hại
- Doanh thu xuất khẩu cao su Campuchia tăng lên 77 triệu USD
- Khánh thành Nhà máy phân bón Hà Gianh
- Đảm bảo gỗ hợp pháp vào thị trường EU
- ANRPC kêu gọi EU xem xét sâu hơn về vai trò của ngành cao su thiên nhiên trong phát triển bền vững