CSVN – Được thành lập vào cuối năm 2013, Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình đến nay đã cho thuê lấp đầy hơn 60% diện tích đất thương phẩm, lợi nhuận liên tục tăng theo các năm. Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý giao thương, KCN còn tận tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, với dịch vụ nhanh gọn, thông thoáng.
Chính sách tiếp thị thu hút đầu tư đa dạng
Với tổng số vốn hơn 830 tỷ đồng (40 triệu USD), KCN Tân Bình có diện tích giai đoạn 1 là 352,5 ha nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương. Nhờ công tác tiếp thị tốt, cuối năm 2014, Tân Bình đã thu hút được các nhà đầu tư đầu tiên và cho thuê được hơn 80 ha diện tích đất thương phẩm. Trong năm 2015 và 2016, KCN khởi sắc vượt bậc với diện tích cho thuê lần lượt là 47,9 ha (đạt 159,8% kế hoạch (KH) và 55,1 ha (đạt 110,4% KH). Tính đến ngày 30/6, KCN Tân Bình đã thu hút được 48 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư lần lượt là 547,6 tỷ đồng và 26,13 triệu USD, tỷ lệ diện tích lấp đầy đến nay là hơn 60% đất thương phẩm.
Là KCN mới, nhưng đến nay Tân Bình đã gặt hái nhiều thành quả, mỗi năm đều có sự tăng trưởng. Lợi nhuận sau thuế của KCN Tân Bình tăng mạnh theo từng năm như năm 2014 là 869,3 triệu đồng, năm 2015 là 1,82 tỷ đồng, năm 2016 là 5,8 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 là 5,64 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ quản lý và CNV KCN Tân Bình luôn chú trọng cải tiến trong việc phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, qua đó nâng tầm thương hiệu, hình ảnh Tân Bình và được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến, hướng tới cung cấp các dịch vụ và tiện ích trọn gói đến các nhà đầu tư nhằm tạo sự yên tâm hoạt động SXKD lâu dài tại KCN.
Chính sách “một cửa” nhanh gọn, thông thoáng
Hiện nay, KCN Tân Bình đang có những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cho những DN mở rộng và đầu tư mới, phương thức thanh toán đa dạng cùng các dịch vụ hỗ trợ khác. Trong đó dịch vụ “một cửa” tối ưu nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng.
Ngoài ra KCN còn chú trọng hỗ trợ các thủ tục đầu tư và hoạt động của DN từ khi mới thành lập như thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy đăng ký kinh doanh, hỗ trợ hoàn tất các thủ tục pháp lý sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ và thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động của môi trường, hướng dẫn xin cấp giấy phép sử dụng lao động cho người nước ngoài, hỗ trợ việc tuyển dụng và đào tạo…
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ Công ty CP Cao su Phước Hòa, TGĐ KCN Tân Bình, cho biết: “Dự kiến đến năm 2018, KCN Tân Bình sẽ cho thuê lấp đầy phần diện tích đất thương phẩm giai đoạn 1 là 244,5 ha. Mở rộng giai đoạn 2 là 1.055 ha, tiếp tục đầu tư hạ tầng KCN, cho thuê lại đất công nghiệp, với quy mô, ngành nghề thu hút đầu tư và định hướng khách hàng, thị trường đa dạng hơn. Cung ứng dịch vụ, phát triển đô thị, nhà ở xã hội cho công nhân và nhà ở thương mại cho dân cư trong vùng. Phát triển các dịch vụ khác trong KCN. Bên cạnh đó, KCN Tân Bình luôn bám sát chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, quan tâm phát triển nguồn nhân lực và có các chính sách phù hợp động viên NLĐ theo từng giai đoạn phát triển, xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài và gắn bó với khách hàng”.
Trần Huỳnh
Related posts:
- Thị trường chứng khoán đang rủi ro nhiều hơn cơ hội
- EUDR có thực tế?
- Xuất khẩu tăng vọt nhưng Việt Nam lại nhập siêu 100 triệu USD cao su trong nửa đầu năm
- Sản phẩm công nghiệp cao su đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường
- Nắm bắt cơ hội giữa "bão Covid", doanh nghiệp gỗ đồng loạt báo lãi lớn
- Sản xuất phân bón 'ngộp thở' vì giá than tăng sốc trên 54%
- Cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu bền vững cho gỗ cao su
- 2 giải pháp hỗ trợ ngành gỗ
- Ngân hàng Thế giới cảnh báo dấu hiệu hoạt động kinh tế Việt Nam chậm lại
- MDF VRG Quảng Trị: Lợi nhuận 4 tháng đầu năm đạt 99,5% kế hoạch