CSVN – Cây cao su di nhập vào Việt Nam lần đầu tiên năm 1897 trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp. Còn tôi, 80 năm sau mới ra đời. Nhưng khoảng cách gần một thế kỷ đó lại chẳng có nghĩa lí gì khi nhìn vào mối lương duyên của tôi với loài cây đặc biệt này.
Cao su và tôi như hai đầu mút mà ở giữa là cả một tiến trình đổi thay của lịch sử, vậy nhưng nhờ một phép màu nào đó mà nó lại trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của tôi. Cao su vốn dĩ ban đầu bị xem như bản án của những người công nhân, khi rừng cao su là nấm mồ chôn bao số phận đày đọa, khi gốc cao su được tưới bằng máu của những kiếp người lầm than. Lúc đó, cao su là một trong những đại diện cho tham vọng thao túng thuộc địa của thực dân. Chẳng mấy ai không biết đến sự tàn khốc đó:
“Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai tráng, khi về bủng beo”
Ấy thế nhưng như một sinh thể sống vươn lên từ mảnh đất hình chữ S, được lớn lên cùng với con người lao động, cao su dần kiếm tìm được vị thế xứng đáng của nó. Bản thân cao su cũng phải trải qua muôn vàn thăng trầm, nhưng đến tận ngày hôm nay nó vẫn khẳng định được giá trị của mình đối với sự phát triển toàn diện của đất nước, đóng góp một phần không nhỏ vào mức sống ổn định của người dân.
Định mệnh của tôi với cao su đến rất sớm, khi tôi mới chỉ là cô bé 16 tuổi. Ngày ấy gia đình tôi ở miền Bắc, nhưng bố tôi là một người có chí tiến thủ. Ông quyết định tạm biệt quê hương để vào miền Nam khai hoang lập nghiệp, cùng với tôi và chị gái. Trên chuyến tàu Thống nhất Bắc
– Nam năm ấy, cuộc đời đã mở cho tôi cánh cửa đến với cây cao su. Hệt như một sự sắp đặt của số phận, lướt qua trước mắt tôi qua khung cửa của con tàu là một rừng cây trơ trụi lá.
Tôi đã được chiêm ngưỡng phong cảnh đất nước suốt quãng hành trình, nhưng ngay tại khoảnh khắc bắt gặp vẻ tiêu điều xác xơ của rừng cây ấy, tâm hồn tôi như chạm phải một điều gì đó thôi thúc và lạ lùng. Tôi quay sang hỏi bố đó là cây gì, ông cười bảo với tôi đó là rừng cây cao su đang trong mùa thay lá. Dĩ nhiên là không giống như bây giờ, khi mà tôi đã trải qua bao mùa lá rụng, lúc đó bản tính hiếu kì của một cô nhóc 16 tuổi khiến tôi thấy tò mò về giống cây này, mãi cho đến khi tôi được tận mắt chứng kiến cảnh cạo mủ của một người công nhân trong khu rừng phủ đầy đất đỏ.
Quan sát cao su ở một khoảng cách gần, tôi mới thấy đó là một cây to xù xì người ôm không hết (cây 1957,1961), có cột dây dẫn mủ hứng mấy cái chén trên thân. Mấy cái chén đó không có trôn, để xuống đất cứ quay tròn, dây câu dài lằng nhằng. Công nhân leo thang thoăn thoắt, loáng cái đã trèo tít lên ngọn cây. Tôi ngửa mặt lên nhìn và nghe tiếng dao cạo xoèn xoẹt đều đều kéo theo giọt nhựa trắng tuôn ra thành dòng.
Lộc Ninh khi ấy vẫn còn là một mảnh đất hoang sơ, với địa hình và địa thế phù hợp, cao su trở thành một mũi nhọn kinh tế vào thời điểm đó, thu hút rất nhiều người lao động. Vì vậy bắt gặp công nhân cạo mủ không phải là chuyện hiếm, nhưng điều quan trọng là đối với tôi, hình ảnh đó đã dấy lên trong tôi một ước muốn, một khát khao mạnh mẽ khẳng định bản thân mình. Tôi quyết định trở thành một công nhân cạo mủ, điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn. May mắn là bố cũng như chị gái hoàn toàn ủng hộ tôi, và từ đó con đường của tôi bắt đầu.
Ban đầu khi tập cạo, tôi không làm sao có thể điều khiển được tay của mình để phối hợp với lưỡi dao tạo ra những đường cắt mềm mại uyển chuyển. Cán dao cứ như tuột khỏi tay tôi mà tự ý cứa vào thân cây những vết xước loang lổ. Không chỉ thế, tuy chỉ là một lưỡi dao nhưng nó được đúc bằng sắt nguyên chất và tra thêm cái cán. Tay tôi vốn yếu, cứ cạo được khoảng 2 – 3 nhát lại mỏi nhừ. Do cầm dao lâu ngày, hai tay tôi bắt đầu phồng rộp lên, nhức và đau tê tái.
Vào thời điểm đó, tôi toàn phải thức dậy từ lúc 2 – 3 giờ sáng, bắc thang lên những ngọn cây cao su để cạo mủ. Cũng chính tôi, một mình trút mủ và gánh ra chòi giao nhận. Lúc mới đầu, cơ thể tôi như không còn sức sống. Cả ngày lúc nào tôi cũng trong trạng thái lờ đờ uể oải, hai tay thì mỏi đến mức không cất lên được. Kết hợp với thời tiết và khí hậu ở miền Nam, vốn rất xa lạ với một người đã sinh ra và lớn hơn ở miền Bắc như tôi, đã có lúc tôi nghĩ mình phải dừng lại ở đây và không thể tiếp tục. Nhưng rồi, tôi tự nhủ với bản thân rằng mọi sự cố gắng rồi sẽ được đền đáp.
Quả thật là như vậy. Đường cạo của tôi ngày một nhanh hơn, gọn hơn và thanh thoát hơn. Tôi có thể cạo một lô cao su từ 300 – 350 cây chỉ khoảng 2,5 tiếng đồng hồ. Những buổi đi cạo đêm cũng trở nên bớt mệt mỏi hơn. Khi ấy, một mình bé nhỏ và đơn độc giữa rừng cao su trong màn đêm tĩnh mịch, tôi vẫn không sợ hãi. Mà trái lại, sự tồn tại của rừng cao su, của dòng mủ trắng dần dà trở nên thân quen với tôi.
Càng ngày, tôi càng thêm yêu mến cao su bởi lẽ nó không chỉ đem lại cho gia đình tôi một nguồn sống mà còn trở thành chính bản thân tôi nữa. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi đã đạt được một số thành tựu nhất định và dần thăng tiến. Cho đến bây giờ, để có được vị trí như ngày hôm nay, tôi không bao giờ quên mình đã từng là một người công nhân cạo mủ, trải qua biết bao những chông gai để gây dựng nên thành công cho chính bản thân và gia đình.
Thời gian thấm thoắt trôi đi. Cho đến nay tôi đã gắn bó với cây cao su được gần 30 mùa lá rụng, chứng kiến những thăng trầm của nó trong quá trình phát triển. Cao su đã, đang và sẽ mãi là một mảnh ghép cuộc sống, đem đến cho tôi những mối quan hệ mới, để lại cho tôi những bài học sâu sắc, thắt chặt những sợi dây liên kết tình thân giữa người với người.
Có thể nói, cao su cũng là người bạn đồng hành trên con đường trưởng thành của tôi. Được làm việc trong Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một niềm vinh hạnh cực kì lớn đối với tôi. Và bản thân tôi tin rằng, ở khắp mọi cánh rừng cao su trên Tổ quốc vẫn đang có những người công nhân đang miệt mài thu hoạch dòng sữa trắng, với niềm hi vọng cháy bỏng về một tương lai tươi sáng hệt như tôi khi từng là một cô bé 16 tuổi.
Một lần nữa, tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc đến với công ty và Tập đoàn, và hơn hết là với chính những cây cao su đang ngày đêm hiến dâng dòng nhựa trắng để đem lại niềm hạnh phúc cho con người và sự thịnh vượng của đất nước. Cảm ơn vì đã trở thành định mệnh của tôi, đưa tôi đến với cuộc hành trình ý nghĩa nhất mà qua đó tôi có thể cất lên tiếng nói khẳng định chính mình.
PHƯƠNG ANH
(Cao su Lộc Ninh)
Related posts:
- Thơ tình của lá
- Mong dịch qua mau
- Đoàn công tác Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương thăm và làm việc tại nước CHDCND Lào
- Công đoàn CSVN Đạt giải Nhì Cuộc thi ảnh “Nét đẹp Công đoàn và người lao động”
- Nhìn mùa thu đi
- Để khai thác cao su bền vững
- Mẹ đi cạo mủ
- Công đoàn Cao su Phú Riềng chăm lo tốt cho người lao động
- Ông Huỳnh Tấn Siêu - Trưởng Ban Công nghiệp VRG: "Tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp"
- Thông điệp mùa khô