Khi gặp rắc rối, hãy tìm hiểu và giải quyết!

Anh Đức Trung kính mến!

Sau khi em tốt nghiệp đại học vì là con duy nhất của ba má, nên em về quê, xin vô làm cán bộ kỹ thuật ở một công ty của tỉnh tại thị xã. Chồng em làm công nhân ở một nhà máy chế biến cao su trong tỉnh. Năm nay em 31 tuổi, được học hành và được ba má dạy dỗ rất kỹ.

Chồng em làm công việc lao động chân tay, lương không cao. Anh là người cha chịu chăm con, là người chồng hay chia sẻ với vợ, nhưng lại không có sự cầu tiến. Em đã rất nhiều lần động viên, cũng như nhà máy tạo điều kiện cho anh đi học nâng cao nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, nhưng anh không chịu đi học. Anh ăn ở rất lộm thuộm, em thấy khó chịu. Sau bốn năm vợ chồng, em cảm giác không còn chồng nữa.

Khi em sinh con, vợ chồng em dọn về nhà má ruột của em. Chồng cùng bà ngoại phụ em chăm con và việc nhà. Má chồng em mỗi tuần qua bên em 2-3 lần để chăm cháu, nhưng bà hay góp ý từ A đến Z, rất khó chịu.

Má chồng cũng rất nhiều lần hỏi về việc ba má em đã làm thủ tục sang tên nhà đất và gia tài cho em chưa, làm em xấu hổ, từ đó má ruột em không ưa má chồng và cả chồng em nữa. Em mệt mỏi và nói ra thì vợ chồng không vui.

Em muốn má chồng không cần qua thăm cháu, nhưng bà cứ lấy lý do qua phụ giúp. Trải qua nhiều chuyện em đâm ra xem thường má chồng và không còn tình cảm với chồng, em không biết làm sao, mong anh Đức Trung cho lời khuyên, cám ơn anh.

EM GÁI

Ảnh minh họa
Em gái thân mến!

Qua thư tâm sự của em, anh Đức Trung nhận thấy má chồng em đã hành xử theo lối tự nhiên, bình dân, hiểu biết nông cạn.

Tuy nhiên, khác biệt về văn hóa ứng xử chỉ là thử thách bên ngoài. Nếu em thực sự coi bà là người thân, chuyện này  vẫn  có  thể  dung  hòa.  Em  hãy  thử  nhìn  nhận  công bằng xem bà hay lui tới vì điều gì. Có phải vì bà thương con dâu, thương cháu, và nghĩ đó là trách nhiệm của bà.

Má chồng em xuất phát với một tâm ý tốt, nhưng có khi không đủ tinh tế để hành xử cho hài hòa, mà bộc lộ những điều vụng về, thiếu tế nhị. Nhưng sâu xa, đó lại là một thực tế rất đáng thông cảm và thương cảm!

Anh Đức Trung cho rằng, em hãy nhìn vào gốc gác của hành động và sự thành tâm của má chồng để hiểu đúng về những điều gọi là phiền toái làm em rất khó chịu đó.

Em  có  thể  nói  cho  má  chồng  yên  tâm  rằng  mẹ con  em  ổn,  em  có  thể  lo  liệu  mọi  việc,  má  chồng  chỉ sang  thăm  khi  nhớ  cháu.  Đồng  thời,  hãy  chia  sẻ  thật với  chồng  rằng  em  hiểu  tâm  ý  của  má  chồng,  nhưng điều  em  và  con  cần  nhất  bây  giờ  là  sự  yên  tĩnh.  Khi chồng  em  hiểu,  anh  ấy  cũng  sẽ  có  cách  nói  cho  má chồng yên tâm và chọn làm điều tốt nhất cho con cháu. Về tình cảm với chồng, em hãy thử nhớ lại vì sao em chọn anh ấy. Việc anh ít học, ý thức không cao đã có từ lâu, nhưng  điều gì là điểm tích cực, khiến anh ấy “ghi điểm” với em. Hiện nay, nhưng hình như em chỉ nhìn vào điều tiêu cực mà chán chồng.

Khi tinh thần không tốt, cảm giác yêu thương có thể mất đi với mọi thứ, chứ không riêng với chồng. Cái nhìn tiêu cực, phán xét dễ gây ra những vết đau rất lớn lên mối quan hệ giữa vợ chồng, người thân.

Điều quan trọng bây giờ là chính em phải hiểu mình, để cân bằng cái nhìn trong mọi vấn đề. Hiện tại, em đang là một bà mẹ bỉm sữa hạnh phúc, có mẹ chồng, mẹ ruột nhiệt tình chăm sóc, có chồng chia sẻ…

Khi gặp rắc rối phát sinh, hãy tìm hiểu và giải quyết. Tránh vì một điểm tiêu cực mà kết luận cả một vấn đề, một con người. Bởi, đó chính là con đường nhanh nhất dẫn em đến buồn bã, u uất và… chán cả thế giới. Chúc em sớm an vui!

ANH ĐỨC TRUNG