Con ạ, mọi người không giống nhau…

CSVN – Đó là câu thơ mở đầu của An Khánh trong ý kiến bình luận bài báo “Nói với con về bất bình đẳng” của tác giả Lang Minh, mục Góc nhìn Báo VnExpress (thứ 3 ngày 24/5/2022) làm tôi cay mắt về câu chuyện bất bình đẳng trong cuộc sống đã và đang tồn tại, ảnh hưởng đến suy nghĩ của con trẻ.

T chỉ “chơi với em Muối”, sao nhãng học hành
Cho con biết thiếu để đồng cảm sẻ chia

Chuyện bắt đầu từ việc treo thưởng cho con sau học kỳ I năm cuối cấp nếu học lực loại giỏi là một thú cưng trị giá gần 10 triệu đồng. “Chị à, vợ chồng em không biết phải làm sao đây, lỡ hứa với con đành phải “giữ lời”. Có Muối (tên thú cưng), cháu chẳng quan tâm đến ai, suốt ngày cứ ôm Muối không rời. Từ ngày thêm “thành viên” mới, không khí trong nhà “căng như dây đàn”, nhiều lúc vợ chồng em phát điên vì vừa phải chăm Muối, chăm con – nhất là lúc cả nhà bị Covid – 19. Đã thế, cháu không lo học hành, lúc nào cũng chỉ “nói chuyện với em Muối”, chị H ngao ngán.

Nghe chuyện của cô bạn hàng xóm, tôi chỉ biết cười và khuyên: “Cháu lớn rồi, đôi khi phải nhẹ nhàng khuyên bảo, phân tích đúng – sai, la mắng có khi lại phản tác dụng”. Khuyên thì khuyên thế thôi, nhưng qua cách chiều con “tận răng” của vợ chồng H, tôi cũng đành “bó tay”.

Là nhà “có điều kiện” nên T đi học bằng xe hơi, khi nào bố bận không đón kịp là phụng phịu vì “mất mặt với bạn bè”, thậm chí không chịu đi xe hon đa và xài điện thoại… “cùi bắp”. Nhiều lúc gặp tôi, chị H lại thở dài: “Chẳng bù với N, con nhà chị L, học giỏi lại chăm ngoan, biết giúp đỡ mọi người và gặp ai cũng lễ phép chào hỏi. Nhiều lúc nhìn thấy con người ta mà… thèm. Có lúc em nghĩ, hay cứ để cho con thiếu thốn một chút biết đâu lại tốt hơn…”.

Cũng chính sự so sánh “với con hàng xóm” của mẹ mà T phản ứng ra mặt, nhiều lúc căng thẳng: “Sao mẹ lại hay so sánh với con nhà người ta thế? Mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện sống khác nhau. Con là con của mẹ chứ có phải con nhà người ta mà mẹ so sánh…” – Chị H ấm ức chia sẻ.

Xây dựng niềm tin để vượt qua thử thách

Chuyện mà tôi muốn nói trong bài viết này, không phải là điều kiện sống mà là cách sống và thái độ sống của mỗi con trẻ. Biết rằng, chúng ta sinh con ra ai chẳng muốn cho con một cuộc sống đủ đầy, một điều kiện học tập tốt. Nhưng có lẽ, câu chuyện của hai đứa trẻ trong hai gia đình có điều kiện sống khác nhau, cách giáo dục khác nhau đã ảnh hưởng đến thái độ sống của mỗi cháu.

Nếu như T được sống trong gia đình đầy đủ vật chất, muốn gì được đó, thì chắn chắn cháu sẽ “không biết làm gì trong một thế giới quá đầy đủ”; còn N lại khác, sinh ra trong một gia đình “hơi thiếu thốn một chút” nên cháu sẽ cảm nhận được cảm giác cần được chia sẻ với mọi người xung quanh… Cần nhìn nhận một thực tế rõ ràng là giáo dục gia đình ảnh hưởng rất lớn đến lối sống và suy nghĩ của con trẻ. Có ý kiến cho rằng, sự vô tâm của con trẻ, hay sự “không biết làm gì” khi có quá đầy đủ mọi thứ là hệ quả của thiếu sự dẫn dắt đúng hướng về cách phát triển bản thân của đứa trẻ và sự lệ thuộc vào công nghệ. Điều kiện sống của mỗi người, hay bất bình đẳng giàu nghèo là hiện tượng bên ngoài, có muốn hay không nó đã và đang xảy ra. Cái chính là ở cách xây dựng niềm tin như thế nào cho con trẻ, để nó vượt qua thử thách và “vượt sướng”.

Có lẽ đã đến lúc người lớn phải đối thoại trực tiếp với con để cho các con biết hành xử giữa “cho và nhận”, giữa “trách nhiệm và quyền lợi” với mọi người xung quanh. Để “Con ạ, mọi người không giống nhau/ Con lớn nhờ bao sức cần lao/ Hạt gạo do bao công cày cấy/ Giọt nước từ mây đọng, mưa rào…” (An Khánh).

MINH KHÔI