Ân tình với cao su

CSVN – Xa miền đất Bình Dương nhiều năm nay để theo đuổi con đường học tập, tôi vẫn không thể nào quên được hương vị rất riêng của rừng cao su bạt ngàn như một tấm thảm khổng lồ nơi quê nhà. Đó là hương vị gì thì tôi khó mà diễn đạt được, nhưng nó có một sức hút kỳ lạ, rất riêng mà tôi mãi lưu giữ trong trái tim của mình.

IMG_3734

Tôi lớn lên và được học hành như ngày hôm nay là nhờ vào ân tình của cây cao su. Bố mẹ tôi từng là công nhân cao su, quanh năm gắn bó với dòng nhựa trắng, nhờ đó mà cuộc sống bớt khó khăn. Tôi còn nhớ, lúc nhỏ, mỗi lần mẹ lĩnh “độc hại” ở nông trường về, là tôi chạy ào ra để giành lấy những lon sữa Ông Thọ rồi tu một hơi hết cả lon. Cảm giác thích lắm!

Lớn lên rồi mới hiểu, để có những lon sữa ngọt ngào ấy, bố mẹ đã phải thức khuya từ hai, ba giờ sáng để đi cạo. Sợ tôi thức giấc, bố mẹ rón rén từng bước một, cố không cho mấy cái thùng mủ va vào nhau, rồi dắt chiếc xe 67 cũ mèm ra ngoài đầu ngõ mới nổ máy. Bây giờ bố mẹ đã già, không còn làm công nhân nữa, mà trên đôi tay vẫn còn hằn in vết chai sạn của mười mấy năm làm nghề cạo.

Tối tăm mù mịt ngoài lô cao su, người công nhân phải rất cẩn thận trước côn trùng, rắn rết… Tiếng dao cạo vào vỏ cây nghe “rẹt rẹt”, từng tia mủ trắng tuôn ra thành dòng rơi tí tách vào tô. Mồ hôi hòa vào dòng nhựa trắng trong những ánh đèn lốm đốm đêm khuya. Cạo xong phần cây thì trời cũng tờ mờ sáng, giữa sáng tinh mơ mà lưng áo người công nhân ướt đẫm mồ hôi. Song không có niềm vui gì bằng thu hoạch được thật nhiều mủ và không bị phạm lỗi kỹ thuật nào.

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho quê tôi có thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cao su. Màu xanh phủ kín đất đai, cây cao su xanh tươi khỏe mạnh cho ra vô vàn “giọt sữa” trắng tinh, thơm thoang thoảng. Không phụ lòng người, cao su đã giúp người công nhân xây được nhà, sắm được xe và nuôi con cái ăn học… Càng biết ơn hơn những người đi trước đã đổ biết bao mồ hôi vì sự phát triển của ngành, tạo ra công ăn việc làm cho người dân, làm thay da đổi thịt những miền đất nghèo khó.

Còn tôi, khó có thể quên được ân tình đó. Tán lá cao su trải dọc đường quê, che bóng mát cho tôi đi học. Vườn cao su là nơi bà nội ra nhặt củi về đun nước, đám trẻ con nhanh nhảu lụm hạt cao su đem đi bán lấy tiền ăn quà; còn có cả nấm mối nữa, như một món quà của đất cao su… Thảm xanh khổng lồ này còn giúp điều hòa nhiệt độ trong vùng.

Hồi đó, hôm nào không đi học, tôi hay đeo theo mẹ ra lô lắm. Không thể nào quên được cảm giác ngồi sau lưng mẹ, trên chiếc xe “cà tàng” đang bon bon giữa con đường đá đỏ dài tít tắp, hai bên là hàng ngàn hàng ngàn cây cao su không tài nào đếm kịp. Sợ tôi bị muỗi cắn, mẹ cột võng cho tôi nằm, xung quanh là mù mịt khói nhang xua muỗi. Nằm trên chiếc võng dù lấm lem mủ, tôi lắng nghe tiếng bước chân mẹ xào xạc trên lá, tiếng cạo mủ, tiếng lật tô hứng mủ… rồi đi vào giấc ngủ khi nào không biết. Mở mắt thì trời đã sáng, mẹ đã cạo xong, mủ đã quá nửa tô…

Từng cây cao su đứng ngay ngắn thành hàng, thành lối, được mặc trên mình bộ đồng phục trông rất tinh tươm. Đó là vẻ đẹp quyến rũ của rừng cao su! Với tôi, mùa lá rụng cũng rất đẹp, khi mà rừng cây chuyển dần từ màu xanh sang màu của lá khô, chỉ cần một cơn gió nhẹ lướt qua cũng đủ tạo thành cơn mưa lá rụng vàng cả đất. Nhiều cô dâu, chú rể không cần đi đâu xa chụp ảnh, đến đây cũng sẽ có một bộ ảnh cưới lung linh như phim.

Vài năm trở lại đây, giá cả cao su gặp nhiều khó khăn, vì gánh nặng cơm áo, một số công nhân đã xin thôi việc. Song rất nhiều người vẫn kiên trì vượt khó để bám trụ với nghề, cùng công ty vượt qua những thử thách hiện tại. Cao su sống nghĩa tình với miền đất này thì sẽ nhận lại tình nghĩa thủy chung của anh chị em công nhân.

Ở phương xa, nếu có người hỏi về mảnh đất Bình Dương, tôi sẽ kể cho họ nghe về vẻ đẹp của cây cao su tràn đầy nhựa sống. Đó là dòng nhựa trắng đã làm thay da đổi thịt cả một vùng đất, đã nuôi lớn bao con người như tôi. Tin tưởng rằng, cây cao su vẫn mãi đâm chồi nảy lộc dù có mưa to hay gió lớn…

LƯƠNG ANH

(Dầu Tiếng – Bình Dương)