Mạng xã hội thách thức báo chí chính thống

CSVN Xuân – Internet và mạng xã hội (MXH) mang lại những tiện ích to lớn, từ đó cả thế giới dường như nằm trong lòng bàn tay, cộng đồng xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa thông tin như hiện nay, MXH đã và đang tạo ra những điều kiện thuận lợi, đồng thời lại tạo ra những thách thức đối với báo chí.
Mạng xã hội làm thay đổi cách làm báo truyền thống.  Trong ảnh: Phóng viên đang tác nghiệp tại Đại hội Hội Nhà báo VN lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, vào tháng 8/2015, tại Hà Nội
Mạng xã hội làm thay đổi cách làm báo truyền thống. Trong ảnh: Phóng viên đang tác nghiệp tại Đại hội Hội Nhà báo VN lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, vào tháng 8/2015, tại Hà Nội

Mạng xã hội (MXH) tác động đến báo chí như thế nào? Theo Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân, về mặt tích cực, trước hết MXH góp phần làm phong phú nguồn tin báo chí. MXH sở hữu nguồn tài nguyên thông tin khổng lồ, đây chính là những dữ liệu quan trọng cung cấp thông tin cho báo chí. Báo chí – đặc biệt là báo điện tử, đã tận dụng nguồn tài nguyên này để chọn lọc sử dụng. Ngược lại, chính MXH làm cho thông tin đó lan truyền rộng rãi hơn dưới hình thức chia sẻ, bình luận.

“Thuật ngữ “toàn dân làm báo” được phóng viên phương Tây đề cập cách đây hơn chục năm giờ không còn xa lạ khi MXH bùng nổ ở Việt Nam. Câu chuyện xung quanh chủ trương chặt cây xanh ở Hà Nội, chính bạn đọc là những người đầu tiên cập nhật thông tin nóng nhất cho cơ quan báo chí chọn lọc và đăng tải. Hay trận lũ lụt lịch sử tại Quảng Ninh cuối tháng 7/2015, trong khi phóng viên hầu như không tiếp cận được hiện trường bởi dòng nước chia cắt, nhưng nhờ có MXH mà những hình ảnh kinh hoàng của cơn lũ, được cập nhật thường xuyên, kịp thời, gây xúc động mạnh trong dư luận”, thiếu tướng Phạm Văn Miên dẫn chứng.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Áp lực cho hoạt động tác nghiệp”]

Bên cạnh những mặt thuận lợi hay mối quan hệ tương tác lẫn nhau, MXH đang gây áp lực và có những tác động tiêu cực không nhỏ đến môi trường báo chí và hoạt động tác nghiệp của phóng viên.

MXH làm cho báo chí không còn giữ vị thế độc quyền thông tin như trước đây. Từ chỗ các nhà báo là người cung cấp thông tin, thì bây giờ bất cứ ai chỉ cần một điện thoại di động có kết nối Internet, cũng đều trở thành “nhà báo” với vai trò là người sản xuất, cung cấp và chia sẻ thông tin. Chính điều đó tạo nên kho dữ liệu hổ lốn, hỗn tạp trên các trang MXH. Nếu nguồn tin đó không được kiểm chứng hoặc không được kiểm duyệt chặt chẽ dễ gây ra những tác động tiêu cực.

[/stextbox]

Còn nhà báo Lê Quốc Minh – Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, nhận định thực tế cho thấy báo chí đang chậm chân hơn MXH, không phải một bước mà nhiều bước và việc chỉ đạo thông tin thì lại càng chậm nữa. Điều đáng ngạc nhiên, dường như cơ quan quản lý không tìm ra một giải pháp bền vững nào và dường như chúng ta luôn trong tình thế đuổi theo MXH.

“Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ di động cũng như truyền thông xã hội, trên thế giới xuất hiện xu hướng tòa soạn coi MXH là nền tảng ưu tiên để đăng tải thông tin. MXH không chỉ là một phần quan trọng trong công tác tòa soạn như quan niệm cách đây vài năm, mà đã trở thành một phần không thể tách rời của báo chí hiện đại. MXH một thời bị coi là “kẻ thù” của báo chí, nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng là “bạn” và mối quan hệ này được gắn thuật ngữ “frenemy” – vừa là bạn vừa là thù. Đây là một thực tế không thể chối bỏ và không có cách nào thay đổi”, ông Minh chia sẻ.

Anh Quân