Anh Đức Trung mến!
Hồi còn đi làm, mỗi khi gặp chuyện vui buồn, tôi đã nhiều lần muốn viết thư tâm sự cùng anh. Nhưng rồi lần lữa, qua đi. Nay có chuyện, tôi mạnh dạn chia sẻ cùng anh và qua đây cũng hy vọng vợ tôi, cô ấy sẽ đọc được những gì tôi viết và những gì anh Đức Trung hồi âm.
Thưa anh Đức Trung! Tôi tốt nghiệp cao đẳng lâm nghiệp, vợ tôi học cao đẳng kinh tế. Chúng tôi có 2 đứa con, trai đầu gái út, đã lập gia đình riêng, ở riêng. Bốn đứa cháu, 2 nội, 2 ngoại. Hai vợ chồng cùng về hưu sớm mấy năm vì nhu cầu của riêng gia đình.
Những tưởng về hưu được sướng nhưng cái khổ nhọc tâm can mới đáng nói. Vợ tôi bây giờ mới chứng tỏ cái tài ôm đồm của mình, coi như hai đứa con bốn đứa cháu kéo cô ấy đi mãi đi mãi, mà nếu ở nhà với chồng cũng không ngơi tay, tôi phải ra rìa mà vẫn không yên.
Như cái Tết này, một nhà mứt, một “cửa hàng” dưa kiệu và các thứ linh tinh. Vợ sai bảo mù trời, nhưng đàn ông đàn ang, đâu phải ô-sin mua cái này mua cái kia, gì cũng bị chê, có khi phải đi đổi lại, rồi cãi nhau, giận nhau, không ra cái gì cả.
Nhiều bữa bạn bè mời tôi không dám đi, phải bỏ, nếu đi, về nhà ầm ĩ không chịu nổi. Trong xóm, có mấy chỗ có thể ngồi với anh em, nhưng ở đó không đánh cờ cũng đá gà, tôi không thích. Ở nhà, tóm lại, chân sai vặt, ra đường, thành kẻ lông nhông, vô tích sự. Mới có một cái Tết về hưu mà đã không chịu nổi!? Tôi phải đi làm gì đó, nhưng mới nói vợ đã ầm lên.
Chán quá, chưa gì mà đã hục hặc. Tôi phải làm sao đây thưa anh Đức Trung? Rất mong anh thông cảm vì đầu Xuân năm mới mà đã làm phiền đến anh!
EM TRAI
Bạn thân mến!
Đời người, dù có là ông to bà lớn, thì cũng phải trải qua các giai đoạn như: Những năm đầu học hành, công việc; lập gia đình, nuôi con nhỏ; giai đoạn trung niên vèo qua; những năm về già, nghĩa là chuẩn bị khăn gói bất kỳ lúc nào cũng có thể bị gọi đi sang thế giới khác.
Vợ chồng bạn đã hạ cánh sớm hơn mấy năm để ngơi nghỉ. Nhưng có lẽ bạn không hình dung được ở không nó bứt rứt như thế nào. Đàn ông 60 ai bảo già, lầm to, nhà nước nhả họ ra, trả về cho gia đình vì suốt những năm tháng mưu sinh, họ không được sống hoàn toàn cho họ.
Khi được nghỉ hưu, đàn bà được trở về với công việc muôn thuở của họ, lo quán xuyến việc nhà, chồng và con, dâu và rể, cháu nội và cháu ngoại… vô cùng bận rộn. Tôi quan sát thấy đa số các bà đều hả hê với giai đoạn này, được làm, được chủ động tụ tập, được cho đi, được nhận về. Lại nữa, điều này càng quan trọng, phụ nữ khi ấy đã “ngán” chồng… Vì vậy phải dùng công việc để né chồng? Cũng có các bà vợ không biết làm gì, nhàn rỗi, sinh hư đó sao.
Đàn ông sau sáu mươi, rộng dài thời gian quá đi. Không bon chen, không thúc bách sinh kế, không khát vọng giàu sang nữa, họ làm gì? Bi kịch thực sự chứ không đùa đâu. Chả lẽ đánh cờ, chả lẽ đá gà, chả lẽ tán phét mãi? Có người viết sách, viết hồi ký, có người đọc sách bù những ngày xưa, có người đi từ thiện. Nhưng đa số ở không, buồn đến phát chán lên.
Ở bên vợ để cùng làm gì đó với vợ nên xem là niềm vui chứ bạn. Có lẽ do các ông mình không quen đỡ đần vợ việc bếp núc nên ngán, như bị sai đi chợ, bị sai làm cái này dọn cái kia, cáu. Hãy chủ động dọn dẹp nhà, ban công, sân sau sân trước, rau xanh cần tay mình, hay trồng hoa kiểng… Để mình đừng ở không, đừng bị thời gian nó dòm ngó rồi nó duỗi ra, mình sợ nó.
Vấn đề là ở bạn, đừng nghĩ ngợi đâu đâu, nhìn vào bên trong hạnh phúc của mình mà hành xử, bạn nhé. Nếu vợ không ưng mình đi làm gì đó thì phải thuyết phục đã. Chúc bạn thành công!
ANH ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Ngành cao su hướng về đồng bào miền Trung
- Mẹ chồng thích kiểm soát, hay soi mói
- Xã hội hóa mua vaccine COVID-19 giúp Việt Nam sớm đạt miễn dịch cộng đồng
- Doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 là xu hướng bắt buộc khi mở cửa
- Có nên cho trẻ học thêm nhiều?
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron
- Bạn phải tỏ rõ thái độ với vợ!
- Hãy để cho con được tôi luyện và trưởng thành!
- Lao động nữ sinh con được nhận thêm tiền từ ngày 1/7/2023
- Biết ơn những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch