Bắt chuột đồng, mênh mang vùng sông nước

CSVN – Vào mùa gặt, có dịp về miền Tây, ngồi trên vỏ lải xuôi theo kênh xáng qua vùng Tứ giác Long Xuyên. Mùi thơm của lúa mới, mùi rơm rạ phảng phất hương vị của đồng quê khiến lòng người khó cưỡng. Nhưng có lẽ “níu chân” kẻ thị thành lại là mùi thơm của món đặc sản “chuột đồng sả nghệ nướng” của người miệt vườn chiêu đãi, để rồi lại nao nao về một thời xa lắc – băng đồng đi bắt chuột.
Thi nhau bắt “anh Tý”.
Thi nhau bắt “anh Tý”.

Nghe qua, chắc hẳn những ai  chưa thưởng thức món thịt chuột cũng   hơi e ngại, rùng mình (nhất là người dân thành phố). Ấy vậy, lại còn đi bắt chuột – mới nghe là nổi da gà. Nhưng với tôi, những ngày lăng xăng theo chú Tân đi bắt chuột đồng lại là một ký ức đẹp, mãi chỉ còn trong hoài niệm theo tôi suốt cả cuộc đời. Sau này mỗi lần kể lại cho con cháu, chúng cứ trầm trồ, thán phục “dũng sĩ diệt chuột”.

Ngày ấy, người ta đi bắt chuột đồng không để bán mà là diệt chuột – bởi chúng là loại gặm nhấm có tốc độ sinh sản nhanh, “kẻ thù” của đồng ruộng, phá hoại mùa màng. Mỗi khi lúa đến thì trổ đòng, hay vào mùa gặt, chú Tân lại chuẩn bị đồ nghề đi bắt chuột đồng. Một cái cuốc, một cái xô, một cái rọ bằng tre, đầu trần quấn khăn rằn phong phanh với nắng gió. Theo chân chú là con chó “lắc gâu” trung thành khi phát hiện ra đối thủ. Cái mũi của chú chó tinh khôn khịt khịt ở đâu là biết ngay nơi ấy có chuột.

Chính vì không bao giờ đội nón nên da chú đen nhẻm, khi cười chỉ thấy hai hàm răng trắng bóng, nên mọi người thường gọi chú là “ông Tân đen”. Vì “sát chuột” nên có người gọi chú là “ông chuột”. Chú không có vợ con, không bà con, anh em. Quãng đời của chú gắn liền với những cánh đồng hun hút gió, với những câu chuyện khôi hài về lũ chuột mà mỗi lần nghe kể là bọn tôi cười lăn, đau cả bụng.

Nói là đi bắt chuột, nhưng “dũng sĩ’ tôi lại chưa bắt được con nào, sự có mặt của tôi góp phần canh giữ cửa hang, hò hét khi thấy có con chuột nào tính trốn thoát. Tôi vẫn nhớ như in bàn chân to của chú cứ đạp đạp vào bụi cỏ để đuổi chuột, còn bàn tay của chú chộp lấy con mồi thật điệu nghệ, và mỗi lần chụp được chuột là chú “dọa” quay quay nó vài vòng rồi đập đầu “gọn ơ”.

Khả năng phán đoán “mái ấm chị tý” của chú “khá siêu”, chỗ nào có hang mà chú nói có chuột chắc chắn là trúng phóc. Gặp những cái hang sâu, đường hang ngoằn ngoèo, chuột ngoan cố bám trụ là chú liền đào hang, đổ nước đầy, đặt rọ tre ngay miệng hang chờ nước ngập, chuột ngộp thở nên chạy ra. Và cứ thế, không chỉ bắt được một con mà còn tóm gọn cả cặp đôi béo tròn. Có khi bắt được cả “nhà chuột” năm bảy con.

Chao ôi, nhìn mắt chuột tinh nhanh lấm lét nấp nhìn trong bụi rạ, nghĩ lại tôi cũng hơi ớn, nhất là khi đào hang gặp cả ổ  chuột con chưa mở mắt  đỏ hỏn, bò lổm ngổm, kêu chít chít, khiến chúng tôi sợ chết khiếp. Nhưng chú Tân giọng lạnh tanh: “Loại này “sanh mắn”, phải diệt tận ổ, nhất quyết hổng tha!”.

Thành quả. Ảnh: ST
Thành quả. Ảnh: ST

Thế đấy, nắng và gió không ngăn chúng tôi reo hò, té nhào trên đám rơm rạ để chạy bắt chuột, nhiều lúc áo quần bê bết đất, mặt mũi lấm lem sình bùn. Tuổi thơ hồn nhiên, vô tư mà hiếm khi bọn trẻ thành thị nào có được.

Tụi nhỏ theo chú đi bắt chuột đồng bởi mê những câu chuyện chú kể, tính hài hước của “chú chuột” khiến câu chuyện thêm nhiều tình tiết phiêu lưu hấp dẫn, rồi cả những bài đồng dao dài mà chú thuộc đến cả dấu câu. Thích nhất là chú hào phóng cho luôn “chiến lợi phẩm” mang về để có thêm món chuột đồng xào sả ớt, khìa nước dừa hay nướng chao. ngon tuyệt!

Lại nhớ những ngày theo chú đi bắt chuột trên những cánh đồng cao,   khi vào mùa gặt, vài ba kí mang về là những con chuột đồng béo tròn phơi bụng, chú mổ ruột, cắt đầu, lột da và rửa sạch đem đi phân phát từng nhà. Ngày ấy, dẫu nghèo nhưng không thương mại hóa món chuột đồng như bây giờ! Mãi cho đến hôm nay, mỗi lần ngửi mùi thịt nướng sả tôi lại liên tưởng và cồn cào nhớ mùi chuột đồng nướng của chú “Tân đen”. Cũng nhờ chú, tôi trở thành “dũng sĩ diệt chuột” mà đội thiếu niên tiền phong trao tặng.

Mỗi lần nghĩ lại, tôi mắc cười, danh hiệu tôi đạt được cũng là công của chú. Bởi ngày đó, chuột phá hoại mùa màng, đội thiếu nhi trong xã mới có phong trào nộp kế hoạch nhỏ bằng đuôi chuột, ai nộp được nhiều đuôi là được phong “dũng sĩ”. Và tôi thường được chú “thưởng công” bằng đuôi chuột phơi khô, đem nộp, tuần nào cũng được nêu gương trước lớp…

Ngày cuối năm, về lại vùng Tứ giác Long Xuyên, nhìn núi Ba Thê sừng sững, những cánh đồng lúa trĩu hạt, mùi khói đốt đồng mênh mang Chao ôi trong tôi lại trỗi lên nỗi nhớ “ông chuột”, nhớ quay quắt những ngày  “đội nắng” đi bắt chuột đồng. Nay chú cũng đã đi về  nơi rất xa, tôi cũng trở thành công dân thành phố nhưng người quê, chốn quê và hồn quê cứ trú ngụ trong tôi. Để ký ức vẫn còn mãi hình ảnh người nông dân hồn hậu, chất phát, cười vang trong nắng gió của những ngày lang thang bắt chuột đồng với chú.

MINH KHÔI