Hãy bảo vệ tình yêu và xây dựng cuộc sống hôn nhân vững vàng!

Anh Đức Trung kính mến!

Em năm nay 29 tuổi, anh ấy 32 tuổi và cùng làm ở một nông trường cao su, quen nhau 6 năm, yêu nhau được 3 năm. Thời gian cũng đủ để gắn bó với nhau phải không anh Đức Trung. Em vẫn nghĩ ba má em đã đồng ý anh ấy và hiểu rõ là chúng em yêu nhau. Vì thế, càng ngày tình cảm của chúng em càng sâu đậm.

Chúng em đã “vượt rào” và hiện nay em đang mang bầu được hơn 3 tháng. Thời gian này dịch bệnh Covid – 19 phải giãn cách triệt để, mọi thứ đều rất khó khăn. Nhưng rất may mắn, ba má anh ấy cũng đã đồng ý cho chúng em đến với nhau ngay trong lúc này. Tưởng rằng mọi việc êm xuôi, cứ thế chúng em về chung một nhà, xây dựng tổ ấm và chờ hết dịch sẽ làm đám cưới, nhưng em không nghĩ là sóng gió lại đến từ gia đình em.

Ba má em không đồng ý cho 2 đứa sống với nhau. Ban đầu ba má ngăn cản với lý do giãn cách xã hội, chưa tổ chức đám cưới thì chưa thể “về chung một nhà”. Sau đó, ba má lại nói do đi xem tuổi không hợp, ba má em phản đối ra mặt.

Ba má em phản đối quyết liệt, cho rằng nhà trai không muốn tốn kém và đốt cháy giai đoạn, coi thường nhà em. Chị gái em thấy má em ngất lên ngất xuống thì xót, kêu em bỏ cái thai nhưng em không đành. Rồi anh ấy tình cờ đọc được những gì em với chị em nhắn tin qua lại, anh ấy nghĩ em có ý định bỏ con, anh nổi nóng cho rằng em nhẫn tâm.

Em không biết phải xử lý như thế nào. Em khổ tâm lắm. Bên tình bên hiếu. Giá như ba má hiểu và tạo điều kiện cho chúng em, mọi việc đã đơn giản hơn nhiều. Biết ba má lo cho em nên thế, nhưng chúng em đã quyết tâm đến với nhau, sao ba má nỡ ngăn cản. Mong anh Đức Trung cho em lời khuyên.

EM GÁI

Em gái thân mến!

Phải nói ngay rằng: Dù sự không đồng thuận đến từ phía nào cũng rất ảnh hưởng đến đôi trẻ. Nhưng trong trường hợp của em, sự phản đối của ba má em sẽ không khó khăn, có thể làm em tổn thương bằng sự phản đối của ba má người yêu của em. Và, điều quan trọng hơn, em thuyết phục ba má mình cũng dễ dàng hơn thuyết phục ba má người yêu. Vì vậy, anh Đức Trung khuyên em hãy thật bình tĩnh.

Hai em phải trả lời được các câu hỏi sau đây: Hai em đã chủ động được cuộc sống của mình chưa? Nếu bây giờ lấy nhau, các em có đủ tự tin đứng vững bằng đôi chân của mình chưa? Các em có tự tin mình sẽ sinh con và nuôi dạy con đàng hoàng chưa?

Điều thuận lợi là: Các em sống trong một tập thể, được các tổ chức đoàn thể ủng hội; về phía gia đình, được ba má của anh ấy cũng như bản thân anh ấy đồng ý và ủng hộ; và, cao hơn cả là về pháp luật, các em cũng hoàn toàn đúng và được ủng hộ. Vì vậy, khi các em trả lời được các câu hỏi như trên, em sẽ biết vấn đề của mình cần những lập luận gì để thuyết phục ba má. Nếu bây giờ các em đã có thể sống độc lập, thì bằng tình cảm chân thành, sự cương quyết lựa chọn của các em, chắc chắn ba má em sẽ ủng hộ thôi.

Trong trường hợp các em tiếp tục sống phụ thuộc vào gia đình sau khi “về chung một nhà”, sự thuyết phục phải kiên nhẫn hơn. Nó phải bắt đầu bằng nỗ lực của hai em trong việc tìm cách tự lo cho cuộc sống của mình. Anh Đức Trung tin rằng, nếu các em đã tính toán, chọn lựa kỹ càng, có phương án cẩn thận thì ba má dù có lo lắng đến mấy cũng tin tưởng các em mà tác thành cho các em chuẩn bị đón cháu chào đời.

Chúc các em có thể bảo vệ tình yêu, xây dựng cuộc sống hôn nhân vững vàng và chuẩn bị đón con chào đời khỏe mạnh.

ANH ĐỨC TRUNG