Cao su Kon Tum giúp dân làm kinh tế

CSVN – Đến với các thôn làng của xã Sa Bình hôm nay, sẽ cảm nhận rõ nét sự thay da đổi thịt qua những con đường bê tông, dòng  điện  quốc  gia  kéo  đến  từng  nhà, trạm xá, trường học được xây dựng giữa làng.

Những căn nhà tạm bợ được thay thế bằng những căn nhà xây kiên cố, nhà nào cũng có tivi, xe gắn máy, hàng quán mọc lên khắp nơi. Đó là nhờ phần nào vào việc đỡ đầu của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum với xã trong 10 năm qua.

Lãnh đạo công ty kiểm tra tiến độ xây dựng một số căn nhà tình nghĩa tại thôn Kà Bầy, xã Sa Bình, Sa Thầy.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con

Ông Nguyễn Minh Thuận – Bí thư Đảng ủy xã Sa Bình cho biết: “Trước khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về việc phân công các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp tham gia đỡ đầu cho các xã khó khăn vào năm 2004, bà con trên địa bàn còn hết sức khó khăn, dân cư thưa thớt, chủ yếu là dân tộc thiểu số (DTTS), kinh tế dựa vào nông nghiệp. Phương thức canh tác lạc hậu nên bà con chưa thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn nghèo đói. Tuy nhiên, với sự đỡ đầu của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thì bà con đã cải thiện được tư duy, nếp nghĩ và cách làm trong phát triển kinh tế”.

Với 90% người dân là đồng bào DTTS, hộ nghèo chiếm 60%, xã Sa Bình vẫn thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, thời gian qua lãnh đạo Cao su Kon Tum đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho bà con trong xã từng bước khắc phục khó khăn vượt lên thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Hữu Lợi – Chủ tịch HĐTV công ty, công ty xác định tập trung giúp đỡ từng thôn làng từ bò giống, cây cao su con, giúp kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao su. “Chỉ trong vài năm đầu nhận giúp đỡ chúng tôi đã giúp nhiều người dân trong thôn Khúc Na thay đổi phương thức canh tác trong phát triển nông nghiệp như trồng, chăm sóc, khai thác cao su, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức mới có hiệu quả và năng suất cao. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ bà con thôn Kà Bầy từng bước thoát nghèo thông qua việc biết khai thác và phát huy thế mạnh từ nguồn đất”, ông Lợi cho biết thêm.

Qua tìm hiểu, nhiều thanh niên trong thôn Khúc Na, Kà Bầy, Lung Leng đã biết đi học nghề, xin việc ở công ty cao su, tinh bột sắn. Nhiều gia đình đã có mô hình kinh tế mới, nhà cửa đã khang trang. Đặc biệt, đã mạnh dạn đi vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế.

Thay “áo mới” cho làng

Theo đánh giá hàng năm của Tổ 4, tổ phụ trách Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, qua thời gian đỡ đầu nhân dân trong các thôn làng của xã đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức. Phần lớn người dân đã biết đi làm sớm, đúng giờ, đau ốm đã biết đến trạm xá, bệnh viện thay vì mời thầy cúng về nhà, nhất là biết ăn ở vệ sinh hơn. Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự được cải thiện nhiều, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, một lòng tin tưởng vào chính quyền.

Công ty Kon Tum đã đầu tư cho thôn Kà Bầy cổng thôn văn hóa, làm sân bê tông cho trường mầm non và 150 trụ rào bê tông để chỉnh trang khu văn hóa thôn. Việc triển khai đề án phát triển kinh tế – xã hội tại làng Khúc Na đã đi vào thực chất, đàn bò cơ bản được chăm sóc và phát triển tốt, tạo thu nhập hàng năm từ 30 triệu đồng/hộ.

Đến nay, sau 10 năm các hộ đã làm được nhà kiên cố và duy trì số lượng đàn bò. Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ nhiều nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng/căn cho các hộ dân ở thôn Bình Loong, Bình Trung, Bình Đông, Lung Leng, Kà Bầy…

VĂN VĨNH

Cao su Kon Tum: Bàn giao 2 nhà Đại đoàn kết cho người dân xã đỡ đầu