Lai Châu triển khai dự án trồng rừng thay thế

CSVN – Thời gian qua, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã nỗ lực triển khai dự án trồng thay thế đối với diện tích đất cằn cỗi không đủ điều kiện trồng cao su sang trồng các loại cây lát, quế… góp phần cùng địa phương nâng độ che phủ của rừng, phục hồi môi trường rừng và giảm tác động của biến đổi kh í hậu.

>> Cao su Lai Châu 2 bén rễ nơi thượng nguồn sông Đà

Công nhân Nông trường Lùng Thàng - Công ty CPCS Lai Châu chăm sóc cây cao su
Công nhân Nông trường Lùng Thàng – Công ty CPCS Lai Châu chăm sóc cây cao su
Mỗi công ty trồng 300 ha

Công ty CPCS Lai Châu II là một trong những đơn vị triển khai diện tích trồng rừng thay thế khá lớn của tỉnh. Ông Phan Thanh Biện – Phó TGĐ công ty cho biết: “Năm 2016, công ty chuyển đổi 300ha đất trồng cao su sang trồng rừng thay thế. Trong đó có 193ha được công ty quy hoạch trồng cây lát, 105ha trồng cây quế. Đây là diện tích đất đã được quy chủ song do độ dốc lớn, có nhiều đá và manh mún không đủ điều kiện trồng cao su, nên được công ty chuyển đổi góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Với sự nỗ lực cố gắng của tập thể CBCN trong công ty đến hết tháng 8/2016 công ty đã hoàn thành dự án trồng 300ha rừng thay thế, hiện đang được nghiệm thu nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống đạt trên 90%”.

Trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác là nội dung quan trọng trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020. Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, bắt đầu triển khai từ năm 2014. Ở tỉnh Lai Châu, để dự án trồng rừng thay thế đem lại hiệu quả tích cực UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 02/2014/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/1/2014 về triển khai trồng rừng thay thế.

Ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: “Hàng năm, tỉnh rà soát các dự án đã chuyển đổi mục đích sử dụng chưa có phương án trồng rừng thay thế để yêu cầu hướng dẫn, hoàn thành việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Đồng thời đôn đốc các dự án đã có phương án trồng rừng thay thế được duyệt, thực hiện hoàn thành trồng rừng thay thế bảo đảm kế hoạch của tỉnh. Hoàn thiện việc xây dựng, phê duyệt kinh phí trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở cho các chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo quy định. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm dự án trồng rừng thay thế. Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án thi công các công trình thủy điện không chấp hành trồng rừng thay thế”.

 Cùng địa phương phủ xanh đất trống đồi trọc

Năm 2006, UBND tỉnh Lai Châu đồng ý chủ trương cho Công ty CPCS Lai Châu và Công ty CPCS Lai Châu II lập dự án trồng rừng thay thế trên địa bàn 2 huyện: Sìn Hồ và Nậm Nhùn. Sở NN & PTNT tỉnh Lai Châu – đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án đã phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn các công ty lập dự án và trình thẩm định, phê duyệt đảm bảo mục tiêu, tiến độ và các quy định hiện hành.

Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các công ty rà soát lại diện tích đất có độ dốc lớn trên 350, chất đất xấu, vùng thường có gió mạnh, không trồng được cây cao su chuyển sang trồng rừng thay thế tại các xã: Ma Quai, Lùng Thàng, Nậm Tăm, Nậm Cha, Pa Khóa, Noong Hẻo, Căn Co, Nậm Cuổi, Chăn Nưa, Làng Mô (huyện Sìn Hồ); Lê Lợi, Pú Đao, Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn). Công ty CPCS Lai Châu trồng khoảng 300ha rừng thay thế; Công ty CPCS Lai Châu II khoảng 300ha. Nguồn vốn triển khai dự án được trích ra từ nguồn vốn trồng rừng thay thế của các dự án xây dựng công trình thủy điện nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.

Trồng rừng thay thế là trách nhiệm đối với mỗi địa phương, quốc gia nhằm bảo vệ môi trường, hoàn nguyên diện tích rừng đã mất. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay đã vào cuối vụ trồng rừng, các đơn vị đang tích cực nghiệm thu nhằm đảm bảo hoàn thành chủ trương trồng rừng thay thế năm 2016, góp phần tăng tỷ lệ phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở địa phương.

Tùng Phương