Tự hào mảnh đất quê tôi

CSVN – Quảng Trị, được ví như một điểm tì vai của chiếc đòn gánh ở hai đầu đất nước. Trải qua một nghìn năm khai phá, trăm năm mịt mù khói lửa, nhưng với truyền thống quật cường, người quân và dân Quảng Trị đã làm nên một Vĩnh Linh lũy thép; Một Thành Cổ oanh liệt; Một Đường Chín Khe Sanh và một Gio Linh kiên cường.
Công nhân Công ty TNHH MTV CS Quảng Trị chăm sóc vườn cây. Ảnh: N.C
Công nhân Công ty TNHH MTV CS Quảng Trị chăm sóc vườn cây. Ảnh: N.C

Tôi hiện là công nhân khai thác thuộc Tổ 2, Nông trường Trường Sơn, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị. Quê tôi ở Làng Giếng Hảo Sơn, thuộc xã Gio An, Gio Linh, Quảng Trị.

Năm 1985, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, 6 xã vùng Tây Gio Linh được vào công nhân cao su, theo mô hình Nông trường – Xã, Xã – Nông trường. Cha, mẹ tôi cũng như mọi người dân Tây Gio Linh hồ hởi góp đất chung sức xây dựng nông trường. Cả miền Tây Gio Linh rạo rực khí thế của một công trường, máy ủi, máy cày hoạt động ngày đêm, xe chở cây giống cao su từ Đồng Nai, Dầu Tiếng đổ xuống và hơn “Hai ngàn người, một sáng hóa công nhân”. Cha tôi cũng nằm trong số đó, cởi tấm áo nâu với một nắng, hai sương với củ khoai, củ sắn, quần quật quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Nay mặc bộ áo quần xanh công nhân có việc làm, có gạo, có tiền lương, được sinh hoạt trong môi trường tập thể, được hướng dẫn trồng và chăm sóc cao su, hỏi sao không hồ hởi phấn khởi!

Thế rồi chế độ bao cấp không còn nữa, mọi người từ cán bộ đến công nhân đều nhận khoán, từ khoán công việc, khoán công đoạn đến khoán chất lượng vườn cây, khoán sản lượng mủ, với những phong trào thi đua khen thưởng và đặc biệt nổi bật nhất là phong trào thâm canh vườn cây, công nhân đem phân bón nhà mình hoặc tự mua để bón cho vườn cây cao su. Nhờ phong trào thi đua như vậy nên mảnh đất “sỏi đá, gió Lào” quê tôi nhiều năm có năng suất trên 1,8 tấn có lúc đạt và vượt 2 tấn /ha. Nông trường tôi, công ty tôi nhiều năm liền là thành viên “Câu lạc bộ 2 tấn” của ngành cao su. Đó là thành tích của công ty tôi, trong đó có cha tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gio An, giàu truyền thống anh hùng. Nghe cha ông chúng tôi kể lại thời chống Pháp đây là căn cứ địa cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mảnh đất Gio An anh hùng mãi mãi vang lên với “Tiếng đàn ta lư” của cố nhạc sĩ Huy Thục. Mảnh đất này sau giải phóng là “Vành đai trắng” – hậu quả của chất độc màu da cam mà Mỹ thả xuống để hủy diệt.

“Anh về Quảng Trị… Gio Linh
Trèo lên Dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang
Bời bời cỏ lút, đồng hoang
Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn…”
Mảnh đất và con người Quảng Trị khắc khổ đến thế:
“Anh nhớ năm xưa mảnh đất này
Bom cày, đạn xới chẳng bóng cây
Lác đác nhà tranh bên đường vắng
Gió lùa hun hút bụi hồng bay”

Trồng xen canh tăng thu nhập tại NT Cồn Tiên (Cao su Quảng Trị). Ảnh: N.C
Trồng xen canh tăng thu nhập tại NT Cồn Tiên (Cao su Quảng Trị). Ảnh: N.C

Thế rồi, ngày 17/11/1984 Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, tiền thân là Công ty Cao su Bình Trị Thiên, được thành lập. Cây cao su đã được trồng trên chính mảnh đất này, được tồn tại và được khẳng định là cây đổi đời của miền Tây Gio Linh, bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc và “Đất người đang hồi sinh trở lại, bát ngát cao su một rừng cây”. Suốt 30 năm cây cao su đã đem lại ấm no, hạnh phúc đúng nghĩa cho công nhân và cây cao su đã vượt ra ngoài khuôn khổ Nông trường quốc doanh để thâm nhập vào dân, vào phong tục, tập quán, vào thói quen canh tác của người dân địa phương của cả vùng Duyên Hải miền Trung. Mảnh đất khô cằn đã cho dòng nhựa trắng. Những con người chịu thương, chịu khó đã có niềm tin với cây cao su.

Trên hành trình chung ấy, cùng với sự lớn mạnh của VRG trong suốt chặng đường 85 năm qua. Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị cũng trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, chúng ta càng tự hào:
“Quảng Trị quê tôi quả diệu kỳ
Tọa lạc Đường 9 một công ty
Sừng sững bốn tầng nhà xây mới
Kỷ niệm 30 năm thật rạng ngời”

Trong niềm vui khôn xiết hôm nay “Một đời người, một rừng cây”, cha tôi đã nghỉ hưu và nhiều chú bác công nhân cũng có sổ hưu như thế. Tôi thật tự hào, trên mảnh đất này biết bao công nhân đã cống hiến cho công ty nay đã nghỉ hưu, họ lại trở về quê hương cùng nhau chung tay xây dựng nông thôn mới.

Và tôi càng tự hào hơn nữa khi được vào làm công nhân của công ty, được tiếp tục trồng cao su trên mảnh đất khói lửa – Quảng Trị anh hùng…Miên man trong suy nghĩ, tôi đã đi lạc vào vườn cây tái canh, ngút ngàn chồi xanh cao su thẳng tắp, những luống lạc, luống ngô trồng xen hứa hẹn một mùa bội thu. Bất chợt thấy một viễn cảnh thật huyhoàng, cao su sẽ khai thác, dòng nhựa trắng lại tuôn trào và ngày đó sẽ không xa.

N.N.T