Còn nhớ ngày tôi cầm trên tay phiếu báo nhập học của Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su, lúc đó tôi ngập tràn suy nghĩ. Thế là tôi có cơ may được học hỏi kiến thức về chuyên ngành cao su, thế là tôi cũng tiếp bước nghề mà chú tôi đã chọn. Tôi vui sướng, nở mặt nở mày biết bao khi cùng nhóm bạn về Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Đức nhận thưởng. Huyện tôi thường tổ chức trao thưởng cho các học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học năm đầu. Lòng hân hoan và cái gì đến đã đến. Phòng họp của huyện đã đầy đủ các gương mặt xuất sắc trong đợt thi vừa rồi. Đám bạn tôi đứa nào cũng hớn hở. Thằng thì khoe tớ sẽ học Đại học Y Huế, đứa thì bảo sẽ học Đại học Bách khoa ngành xây dựng. Chúng nhao nhao hỏi tôi: “Mày học đại học gì vậy? Y hay Dược? Bách khoa hay Sư phạm?”.
Tôi tự hào bảo rằng: “Tớ đi học Cao đẳng Công nghiệp Cao su”. Thế là cả bọn nháo lên: “Ối giời! Mày học làm gì ngành đó! Khổ lắm. Trèo non lội suối cạo mủ đêm đó”.Đứa nào nói gì kệ, tôi kiên định tư tưởng riêng tôi.
Quê tôi vốn là vùng trung du với địa hình thung, triền, đồi, núi. Nơi đây từng là căn cứ địa của khu ủy khu 5. Nơi bác Võ Chí Công đã làm hầm trú ngụ để lãnh đạo nhân dân làm nên bao chiến công hiển hách góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975. Nơi đây cũng từng hứng chịu bao nhiêu vết thương của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Hòa bình lập lại, mảnh đất này mang đầy thương tật. Những hố bom san sát kề nhau, những quả mìn còn rình rập trong lòng đất. Khó khăn về thời tiết, địa hình, thổ nhưỡng… Cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Thương bà con oằn vai chạy nắng, thương quê nghèo hạt thóc lưng bồ. Tôi cứ nghĩ mình phải học, phải tích lũy thật nhiều kiến thức để góp phần làm cho thôn xóm thịnh khang.
Việc tôi chọn vào ngành cao su tôi cho là rất đúng. Nhìn lại những gì đã qua để ta mới thấy sự thật.
Từ ngày cây cao su xuất hiện ở Quảng Nam. Năm 1998 khởi phát với 10 ha thử nghiệm ở vùng đồi Hiệp Đức, cây cao su đã đem lại tín hiệu khả quan để Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt định hướng chiến lược xây dựng rừng cao su khoảng 10.000 ha. Như thế vùng Tây Quảng Nam chính thức đứng vào danh mục vùng phát triển cao su của quốc gia. Thực tế là vậy, cây cao su về đất Quảng đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn hộ gia đình trong đó có gần 50% hộ đồng bào các dân tộc thiểu số. Quê tôi từ một vùng quê nghèo đã trở nên no ấm, trù phú hơn.
Giờ đây tôi đã là một công nhân ở nhà máy chế biến mủ 10 ngàn tấn/năm.
Hạnh phúc tràn ngập trong tôi. Ước mơ từ ngày còn ngồi trong ghế nhà trường đã thành hiện thực. Cao su ơi! Tôi luôn tự hào.