CSVNO – Tính đến 17h00 ngày 2/6, số tiền từ các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban đóng góp, ủng hộ cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 đã lên đến 2.360 tỷ đồng.
Đặt mục tiêu 100% người lao động toàn VRG được tiêm vaccine Covid-19 trong năm 2021
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Chương trình phát động đóng góp, ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng COVID-19. Tính đến 17h00 ngày 2/6, số tiền từ các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban đóng góp, ủng hộ cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 đã lên đến 2.360 tỷ đồng.
Trước tình hình dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã có chủ trương mua vắc-xin phòng dịch cho nhân dân cả nước. Ngày 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 779/QĐ-TTg, thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến cần khoảng 150 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, tổng kinh phí ước tính khoảng trên 25,2 nghìn tỷ đồng. Về kinh phí để mua vắc-xin, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nếu dịch bệnh kéo dài thì nhu cầu vắc-xin sẽ tăng cao, kinh phí mua vắc-xin sẽ rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, khó đáp ứng được mục tiêu phòng dịch cho toàn dân. Vì vậy, việc đóng góp, ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 là rất cần thiết.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương huy động nguồn lực hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19, theo đó, đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính có hướng dẫn các doanh nghiệp ủng hộ Quỹ mua vắc-xin phòng dịch COVID-19 xác định các chi phí được trừ khi tính thu nhập doanh nghiệp.
Tại Chương trình phát động ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức vào ngày 31/5, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban cho biết: “Hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát động chương trình ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 cùng với 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc với mong muốn đóng góp một phần công sức trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, ổn định xã hội, phát triển sản xuất tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra”.
Có thể nói, đây là thời điểm các doanh nghiệp Nhà nước cần khẳng định vị trí tiên phong, bên cạnh vai trò lực lượng nòng cốt, hỗ trợ Nhà nước điều tiết nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Với nỗ lực ủng hộ ở mức cao nhất có thể cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19; đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động khác phục vụ công tác phòng, chống dịch của Chính phủ, cũng như các địa phương trong cả nước, sau 3 ngày phát động, tính tới 17h00 ngày 2/6/2021, các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban đã đóng góp được số tiền 2.360 tỷ đồng.
Số tiền đóng góp, ủng hộ từ các Tập đoàn, Tổng công ty sẽ được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chuyển tới Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 do Kho bạc Nhà nước quản lý tại Lễ ra mắt Quỹ sẽ được tổ chức trong ít ngày tới dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.
Một số Tập đoàn, Tổng công ty đóng góp, ủng hộ số kinh phí lớn là:
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 400 tỷ đồng
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 400 tỷ đồng
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 400 tỷ đồng
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 200 tỷ đồng
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) 200 tỷ đồng
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) 200 tỷ đồng
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) 200 tỷ đồng
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) 200 tỷ đồng
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) 100 tỷ đồng
Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) 50 tỷ đồng
theo dangcongsan.vn
Related posts:
- VRG chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững tại hội thảo của PEFC
- Cao su Đồng Nai: Ra quân sớm, hứa hẹn sản lượng vượt
- Thiếu công nhân tại Campuchia: Giải pháp nào tháo gỡ?
- Khối thi đua Gia Lai – Kon Tum: Gần 100 giải pháp, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong năm
- Phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Binh đoàn 15 gặp mặt báo chí dịp kỷ niệm 34 năm ngày thành lập
- Nệm Đồng Phú khuyến mãi lớn tháng 7
- Tiền lương bình quân Geru Star tăng 12%
- VRG ủng hộ tỉnh Quảng Nam 200 triệu đồng phòng chống Covid
- Thường xuyên khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt phòng chống dịch