CSVN – Tại Hội thảo lấy ý kiến bộ cơ cấu giống cho giai đoạn 2016 – 2020, tổ chức ngày 13/8 tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu CSVN), Ban Quản lý Kỹ thuật (QLKT) VRG khuyến cáo cần tăng cường hơn nữa trong việc xác định yếu tố giới hạn của tiểu vùng cụ thể, phân hạng chi tiết hơn để xây dựng cơ cấu giống tối ưu cho từng vùng.
>>Lấy ý kiến xây dựng cơ cấu bộ giống cao su 2016 – 2020
Theo báo cáo của Ban QLKT VRG, đến ngày 1/1/2015 VRG có 396,861 ha cao su (không kể diện tích đã có quyết định thanh lý), được trồng từ năm 1972 với 47 dòng vô tính bao gồm cả giống nhập và lai tạo trong nước. Trong những năm gần đây, việc phát triển ồ ạt từ 27 công ty cao su năm 2005 lên 58 công ty vào năm 2010 nên công tác chuẩn bị giống đã không đáp ứng được nhu cầu. Do vậy đã có một số giống được trồng quá nhiều trên cùng một diện tích, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro là khá lớn cho các đơn vị. Hội thảo nhằm định hướng, khuyến cáo cho các đơn vị trên địa bàn khi tiến hành tái canh trong những năm tới.
Cơ cấu giống giai đoạn 2011 – 2015 đạt 80% – 90% so yêu cầu
Cơ cấu giống (CCG) giai đoạn 2011 – 2015 về cơ bản không có thay đổi so với CCG giai đoạn 2006 – 2010. Quá trình chuyển đổi giống trồng tại các công ty diễn ra khá nhanh, trong đó có những mốc thời gian đáng chú ý là giống GT1 và RRIM 600 có mặt xuyên suốt quá trình với tần suất 36/42 năm có trồng cao su. Năm 1993 giống PB 260 được trồng đầu tiên, phát triển nhanh đạt đỉnh cao vào năm 2010 khi trồng được 22.000 ha, sau đó giảm nhanh. Đến cuối năm 2013 giống PB 260 chiếm tổng diện tích cao nhất VRG với hơn 90.000 ha.
Năm 2008 giống RRIV 124 được trồng đại trà, biểu đồ phát triển tương tự PB 260 nhưng với tốc độ cao hơn. Năm 2013 trồng được gần 23.700 ha, đến cuối năm 2014 trồng thêm hơn 15.200 ha và đưa tổng diện tích RRIV 124 lên gần 57.700 ha. Việc áp dụng một CCG mới vào sản xuất thường bị lệch về phía sau do khâu chuẩn bị giống chưa kịp, tuy mức độ lệch của từng vùng khác nhau song tỷ lệ chung của VRG dường như tiệm cận dần với tỷ lệ chuẩn.
Tại Tây Nguyên, những năm trước đây giống PB 260 chiếm tỷ lệ rất lớn thì đến năm 2014 giống RRIV 124 gần như là loại giống độc tôn tại Tây Nguyên 1 (TN) với tỷ lệ 71,8%, TN2 với 80,2%, Mang Yang 94,7%, Chư Păh 94,4% diện tích trồng mới tái canh. Trong thời gian từ 2011 – 2014 tỷ lệ diện tích trồng giống bảng I của TN1 và TN2 là 61,17% và 35,47%, sự xuất hiện ít ỏi của các giống bảng II (ngoại trừ RRIV 124) và bảng III tại một số công ty như Chư Păh, Sa Thầy, Kon Tum hay Mang Yang, diện tích RRIC 121 cũng đã được điều chỉnh tăng lên. Nhìn chung, việc áp dụng CCG giai đoạn 2011 – 2015 đã đạt được khoảng 80% – 90% so với yêu cầu của VRG, các giống trong cơ cấu đã phát huy tác dụng tốt.
Hướng dẫn một số giống đặc biệt theo từng vùng
CCG của VRG cho giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu nâng cao năng suất mủ hơn trước, bảo đảm thời gian KTCB và khả năng thích hợp với từng tiểu vùng trồng cao su của giống. Mục tiêu trong 5 năm tới vùng Đông Nam bộ năng suất đạt từ 2 -2,4 tấn/ha, Tây Nguyên và Nam Trung bộ từ 1,6 – 2 tấn/ha, Bắc Trung bộ từ 1,6 – 1,8 tấn ha và miền núi phía Bắc đạt 1,5 – 1,8 tấn/ha.
Để làm được điều này, mới đây VRG đã có văn bản chỉ đạo triểu khai công tác trồng mới, tái canh trong đó hướng dẫn sử dụng một số giống đặc biệt theo từng vùng. Cụ thể: Đông Nam bộ không bố trí giống PB 255, RRIV 114 trên các chân đất thấp, Tây Nguyên không trồng PB 260 ở vùng có nguy cơ khô hạn hoặc đất kém, Lào và Campuchia không bố trí giống PB 255, RRIV 114 nơi đất thấp có mực thủy cấp cao, không trồng PB 260 ở những vùng đất có nguy cơ khô hạn hoặc đất kém.
Để CCG giai đoạn 2016 – 2020 phát huy hiệu quả, Ban QLKT cũng khuyến cáo cần tăng cường hơn nữa trong việc xác định yếu tố giới hạn của tiểu vùng cụ thể, phân hạng chi tiết hơn để xây dựng CCG tối ưu cho từng vùng. Mặt khác, tiếp tục ban hành CCG 5 năm một lần, có hiệu chỉnh giữa kỳ và ban hành CCG sớm hơn để có thời gian chuẩn bị. Ngoài ra, cần đưa vào CCG giai đoạn 2016 – 2020 một số giống như PB 255, PB 312, RRIC 100, RRIC 121, RRIV 1, RRIV 103, RRIV 106, RRIV 107, RRIV 124 hay RRIV 209….và cần có quy chế quản lý việc áp dụng CCG.
Văn Vĩnh
Related posts:
- Trồng cao su lấy gỗ và gỗ - mủ theo hướng phát triển bền vững
- Cập nhật tình hình bệnh rụng lá Pestalotiopsis tại các nước
- Bệnh rụng lá Fusicoccum bùng phát tại Indonesia
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất vườn cây
- Xen canh, luân canh trên vườn cây cao su
- “Công tác giống cần phải được các đơn vị đặc biệt quan tâm”
- Giới thiệu quy trình kỹ thuật điều chỉnh bổ sung 2017
- Nghiêm túc thực hiện phòng chống cháy tại các dự án cao su Campuchia
- Chất lượng sản phẩm Cao su Sa Thầy được đánh giá cao
- Sẽ có quy trình riêng cho vườn cây Mang Yang