CSVN – Vừa qua, Tổng Công ty Công trình giao thông Cienco 1 và Liên doanh Công ty CP ông nghệ OTP FLC Việt Nam vừa thi công thử nghiệm bê tông nhựa đường cao su trên mặt cầu Thanh Trì, Hà Nội. Nhựa đường cao su vừa đưa vào thử nghiệm có nhiều ưu điểm nổi bật.
Giải quyết dứt điểm hằn lún vệt bánh xe
Tại điểm thi công thử nghiệm 300 m trên mặt cầu Thanh Trì, các đơn vị đã tiến hành thi công ba mẫu bê tông nhựa. Trong số này có 100 m là bê tông nhựa nóng, 100 m bê tông nhựa đường cao su hóa và 100 m bê tông nhựa Polime. Việc thi công cùng lúc 3 mẫu để Bộ GTVT và các cơ quan chức năng dễ dàng so sánh, nghiệm thu và đánh giá chất lượng của bê tông nhựa đường cao su hóa so với các sản phẩm công nghệ cùng chức năng.
Có mặt chỉ đạo thi công tại hiện trường, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Tổng Giám đốc Cienco 1 – cho biết, nhựa đường cao su hóa là công nghệ sử dụng bột cao su tái chế từ lốp xe thải, kết hợp với nhựa đường thông thường 60/70 tạo ra hỗn hợp nhựa đường cao su hóa, sử dụng cho hệ thống nhựa nóng.
“Công nghệ mới bê tông nhựa đường cao su hóa có ưu điểm chống lún và chống nứt mặt đường, tăng tuổi thọ mặt đường và giảm hiện tượng ô xy hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tận dụng từ các lốp xe thải. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ mới, giá thành sẽ giảm một nửa so với bê tông nhựa polyme cùng chức năng”, ông Hòa cho biết, hiện liên doanh đã triển khai xong công tác thí nghiệm trong phòng thí nghiệm. Kết quả thu được là rất khả quan. Sau khi trộn 15% bột cao su hóa với nhựa đường thông thường, tính chất cơ lý của nhựa đường tăng lên rõ rệt. Độ kim lún chỉ còn 40 – 50, trong khi nhựa thông thường là 60- 70. Nhiệt độ hóa mềm lên đến trên 80 độ C, so với chỉ 46 độ C của nhựa thông thường. Độ ổn định mashell ở nhiệt độ 60 độ C tăng đáng kể.
“Tất cả những yếu tố trên cho thấy, nếu công nghệ này thử nghiệm thành công và áp dụng rộng rãi vào thực tế sẽ giải quyết dứt điểm được bài toán hằn lún vệt bánh xe hoành hành tại nhiều dự án giao thông thời gian qua”, ông Hòa cho biết.
Sẽ nhân rộng ra thực tế
Trực tiếp có mặt tại điểm thi công thử nghiệm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao Liên doanh Cienco 1 và Công ty CP Công nghệ OTP FLC Việt Nam đã thử nghiệm một sản phẩm công nghệ mới vừa giảm giá thành, vừa bảo vệ môi trường. Công nghệ mới này giúp cho các dự án có nhiều cơ hội lựa chọn để phù hợp với công trình, khu vực xây dựng.
“Bộ GTVT tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị đưa vào thí điểm ở các dự án. Đồng thời, Bộ sẽ giao các cơ quan chức năng đánh giá lại, trên cơ sở các tiêu chí, đề cương cụ thể, sau một thời gian sẽ tổng kết, nếu thử nghiệm thành công sẽ cho nhân rộng”, Thứ trưởng Đông nói.
“Công nghệ nhựa đường cao su hóa đã được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến và đang dần trở thành xu thế trong tương lai đối với ngành cầu đường trên thế giới. Một trong những mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là áp dụng công nghệ nhưng phải đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Công nghệ OTP FLC Việt Nam khẳng định.
Được biết, nhựa đường cao su hóa đã được áp dụng rộng rãi trên khắp thế giới khoảng 40 năm gần đây. Tại bang California của Mỹ, nhựa đường ô xy hóa được áp dụng đại trà trong công tác thi công mặt đường và đạt được kết quả cao, chứng minh tính năng ưu việt của sản phẩm.
(Theo GTVT)
Related posts:
- Gởi tình yêu vào đất...
- Thay đổi mật độ cao su tái canh trồng mới
- Xí nghiệp cơ khí chế biến 30/4, Cao su Bình Long: Cái nôi phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật
- Cải tiến công nghệ mủ tờ RSS
- Quản lý bệnh phấn trắng hiệu quả: Tiền đề nâng cao năng suất mủ cao su
- Cạo đèn: Cần cân nhắc yếu tố vùng miền
- Khoán vườn cây lâu dài tạo ổn định về lao động
- Cao su Sơn La tập huấn khai thác mủ
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng (kỳ 3)
- Ứng dụng bảng tính Google sheets trong quản lý sản lượng