CSVN – Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đã biến một vùng đất cằn cỗi, với nhiều vết tích của chiến tranh để lại thành một vùng đất trù phú, từng bước góp phần phát triển kinh tế địa phương, đưa đời sống của người dân trên địa bàn từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nỗ lực trong điều kiện khó khăn
Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh tiền thân là Nông trường Cao su Ninh Đức (nay là Nông trường Cao su Ia Nhin), được thành lập vào năm 1976 trên cơ sở tiếp quản 220 ha cao su trồng từ năm 1960 của chế độ cũ.
Năm 1985, thực hiện chủ trương của Chính phủ về quản lý chuyên ngành cao su và chương trình phát triển cao su trên địa bàn Tây Nguyên, Tổng cục Cao su Việt Nam đã tiếp nhận Nông trường Cao su Ninh Đức và thành lập Công ty Cao su Chư Păh theo quyết định số 52/TCCB/ QĐ, ngày 25/9/1985. Công ty cũng tiếp nhận thêm Nông trường Cao su Diên Phú thuộc thị xã Pleiku, đồng thời thành lập 2 đơn vị là Nông trường Cao su Hòa Phú và Ia Der (nay là Nông trường Cao su Ia Phú) với tổng diện tích 1.234 ha. Đơn vị thống nhất lấy ngày 25 tháng 9 hàng năm là ngày truyền thống.
Công ty thành lập vào những ngày đầu của đất nước thực hiện công cuộc đổi mới theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI là chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế tự quản, kế hoạch, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngay khi vừa thành lập, công ty đã bắt tay vào thực hiện việc sắp xếp lại doanh nghiệp theo Quyết định 176/ QĐ –TTg của Chính phủ, vì thế trong 5 năm đầu thành lập từ năm 1985 đến 1990 công ty chỉ phát triển được khoảng 1.000 ha từ 1.234 ha lên 2.200 ha.
Sau năm 1990, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, nhất là việc Nhà nước Liên Xô sụp đổ, nguồn tài chính viện trợ để phát triển cao su bị cắt, do đó công ty đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển và mở rộng diện tích cao su. Trước tình hình khó khăn đó, tập thể lãnh đạo công ty đã chủ động khai thác nguồn vốn từ chương trình 327 và 120 của Chính phủ để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Cố gắng xoay xở trong điều kiện hết sức khó khăn, bằng sự nỗ lực vượt khó của tập thể – người lao động công ty, đến năm 1997 công ty đã mạnh dạn mở rộng, phát triển cao su về phía nam, thành lập Nông trường Cao su Ia Pếch đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai, nâng tổng số đơn vị lên 4 nông trường với tổng diện tích trên 5.384 ha, trong đó cao su khai thác chiếm 26,3%, giải quyết việc làm cho 1.611 người, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số chiếm 43%.
Mở rộng diện tích, phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực
Điểm nhấn trong quá trình mở rộng và phát triển diện tích cao su của công ty chính là giai đoạn 2000 – 2005, với phương châm “công nhân giàu, công ty mạnh” từ năm 2003 công ty được Tổng Công ty Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) và UBND tỉnh Gia Lai chọn làm thí điểm thực hiện chương trình 132 và 134.
Đây là chương trình đa dạng hóa nông thôn nhằm giúp đồng bào vùng sâu vùng xa có thể xóa đói, giảm nghèo, đồng thời thực hiện việc chuyển đổi đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo sang trồng cây cao su, tạo việc làm cho các hộ dân thiếu đất sản xuất cũng như đất ở. Công ty đã thành lập Nông trường Cao su Hà Tây và Đội sản xuất Xã Gào để thực hiện dự án trọng điểm này. Chính vì thế, đến năm 2005 tổng diện tích cao su của công ty là trên 7.000 ha, giải quyết việc làm cho 1.747 lao động, trong đó lao động là dân tộc thiểu số tăng vọt từ 43% lên 53% chỉ trong một thời gian ngắn.
10 năm trở lại đây là giai đoạn Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh có sự phát triển vượt bậc, toàn diện và bền vững trên mọi lĩnh vực. Công ty đã đẩy mạnh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Năm 2009, công ty bắt đầu tiến hành khảo sát và triển khai dự án C.R.C.K tại huyện San Đan của Vương quốc Campuchia. Trong nước công ty tiếp tục thành lập thêm 2 Nông trường Cao su Thanh niên Ia Mơr và Nông trường Cao su Quyết Thắng đứng chân trên địa bàn huyện Chư Prông nhằm thực hiện việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su theo chủ trương phát triển từ 90 – 100 ngàn ha cao su trên địa bàn Tây Nguyên của Chính phủ.
Năm 2010, Công ty Cao su Chư Păh chính thức hoạt động theo mô hình mới với tên gọi Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, với tổng diện tích cao su trên 7.554 ha, trong đó cao su khai thác hơn 4.774 ha.
Tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội
Từ năm 2000 đến nay, công ty đã khai thác được trên 75.585 tấn cao su quy khô, tổng doanh thu trên 3.416 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 256 tỷ, tiền lương bình quân của người công nhân đạt trên 4,2 triệu đồng/người/tháng. Riêng năm 2014 sản lượng khai thác đạt 9.705 tấn, tổng doanh thu 366 tỷ đồng, tiền lương bình quân toàn công ty đạt 4,8 triệu đồng/người/tháng, đạt 117,9% kế hoạch.
Với tập thể lao động năng động công ty đã xây dựng một Đảng bộ với 169 Đảng viên, trong đó Đảng viên nữ 37 người, 17 Đảng viên là người dân tộc thiểu số. Cùng với việc sản xuất kinh doanh, trong suốt thời gian qua công ty đã rất tích cực trong thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn và trong cả nước. Công ty đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho công tác từ thiện, thực hiện việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho người lao động, cùng với địa phương chung tay xây dựng nông mới, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn như đường – điện – trường – trạm… để người lao động nói riêng và nhân dân trên địa bàn nói chung cùng nhau cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các phong trào VHVN – TDTT cũng được lãnh đạo công ty quan tâm chú trọng, nhiều năm qua công ty đã gặt hái được rất nhiều thành tích cao trong các kỳ thi, đặc biệt là tại Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su năm 2014 vừa qua.
Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, công ty đã từng bước vượt qua bao nhiêu khó khăn thử thách, xây dựng một tập thể vững mạnh và gặt hái nhiều thành công. Với những việc làm và thành tích mà tập thể công ty đã đạt được trong 30 năm qua, công ty đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, tiêu biểu là danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” vào năm 2010, nhiều Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cùng nhiều cờ thi đua của Chính phủ, các cấp từ trung ương đến địa phương.
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
Related posts:
- Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Cao su Tân Biên vượt 73,39%
- "Các đơn vị cao su miền Trung tập trung vượt khó"
- Cao su Bà Rịa: nhiều giải pháp thu hút, giữ chân người lao động
- Nông trường 3 giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Phước Hòa Kampong Thom
- Cao su Lộc Ninh phấn đấu đạt thu nhập 7,8 triệu đồng/người/tháng năm 2024
- Cao su Phước Hòa sôi nổi ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
- Công nhân trồng sầu riêng thu nhập hơn 600 triệu đồng mỗi năm
- Cao su Chư Mom Ray vể trước kế hoạch sản lượng 33 ngày
- Cao su Điện Biên sôi nổi thi đua hoàn thành nhiệm vụ
- Cao su Dầu Tiếng tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng