“Khát” mưa!

CSVN – Thế là vườn cây cao su đã đi qua mùa thay lá, như một phép nhiệm màu của thiên nhiên, những cành cây khẳng khiu trơ trụi “giơ chìa” “kiên gan” trên nền trời xanh thẳm bỗng chốc bung chồi xòe những tán lá xanh non bao trùm cả cánh rừng. Đó cũng vào thời điểm mùa khô, cây dưỡng sức để tích nhựa, chuẩn bị cho mùa khai thác mới.

Vào thời điểm này người công nhân khai thác tạm được nghỉ ngơi, dưỡng sức bằng những chuyến tham quan trải nghiệm thú vị; có người tranh thủ thời gian rảnh rỗi để kiếm việc làm thêm, tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập để trang trải chi tiêu trong gia đình…Có thể thấy, trong cái nắng quay cuồng của tiết trời khô hanh, đâu đó phảng phất những lo âu trên khuôn mặt rám nắng của các anh trong đội bảo vệ tuần tra canh giữ sự bình yên cho những cánh rừng cao su.

Thời tiết như đang thử thách con người. Cái nắng những ngày cuối tháng Ba vẫn “vô tình” phả xuống bỏng rát con người và vạn vật. Nắng nóng gay gắt khiến công việc của người “gác lửa” trên các lô cao su vốn đã vất vả nay càng trở nên vất vả bội phần. Điều ta dễ bắt gặp tại các lô cao su trong những ngày nắng nóng là hình ảnh các đội bảo vệ tuần tra canh gác “giặc lửa” với tinh thần trách nhiệm cao. Một phút ngả lưng chợp mắt nghỉ trưa vẫn cảnh giác cao độ với những mối nguy rình rập.

Nắng nóng vẫn hoành hành, những “cơn khát” vẫn thường trực trên những cánh rừng cao su. Đó là “khát mưa” và “khát giá”. Giải tỏa cơn “khát giá” cho người trồng cao su đó là giá mủ đã “nhích lên”, tín hiệu vui là “ngọn gió lành” xua tan cái nóng nực của thời tiết khô hanh; là thanh âm trong trẻo xua đi cảm giác ngột ngạt, bức bối của người trồng cao su vì thời gian quá dài người dân cao su phải chịu cảnh “được mùa, mất giá”. Sự kiên nhẫn, chống chịu để đi qua “ngày khó” được đáp trả bằng những tấn sản lượng mủ vượt và năng suất lao động trong những ngày cuối năm được quy đổi bằng tiền lương, tiền thưởng và cả sự chia sẻ, động viên, quan tâm của các cấp lãnh đạo, đoàn thể trong toàn ngành.

Sau những ngày nắng hạn sẽ có mưa dầm, “hết mưa là nắng hửng lên thôi” – đó là quy luật của tự nhiên và đất sẽ không phụ công người cần mẫn “một nắng hai sương” nếu chúng ta thủy chung với loài cây đã chọn. Dẫu gian khó, dẫu vất vả, dẫu thách thức… nhưng tất cả là “phép thử” lòng người – kiểm chứng tình yêu ngành, yêu nghề của NLĐ.

Ngày mai thôi, nắng nóng sẽ dịu lại, những cơn mưa đầu mùa sẽ trút xuống làm mát những khu rừng và cả con người đang “khát mưa” và “khát giá”. Đâu đó trên vườn cây thấp thoáng những chiếc áo xanh của người thợ nắn nót từng đường cạo khi lần đầu làm quen với công việc mới; hay những tốp công nhân chuẩn bị vật tư trên vườn cây cho ngày ra quân khai thác…Tiếng cười nói lại rộn rã cả khu rừng, khí thế lao động chạy đua với thời gian của những “bàn tay vàng” trên vườn cây, công trường, nhà máy lại nhộn nhịp, hăng say. Và trên những lô cao su xanh ngút ngàn kia những dòng nhựa trắng lại được khơi nguồn, tuôn chảy.

Hơn bao giờ hết, mỗi chúng ta lại vận lên sức mạnh nội tại, phát huy truyền thống vượt khó có bề dày gần cả thế kỷ của ngành cao su Việt Nam, vững vàng tay dao bước vào mùa khai thác mới. Nắng nóng sẽ qua đi, “cơn khát” sẽ được giải tỏa bằng những “trận mưa vàng” đầu mùa mát lạnh. Tạm gác lại những “cơn khát” ngày nắng nóng, tạm gác lại những lo âu về giá cả để hướng tới sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai…

Đó cũng là cách để mỗi NLĐ trong ngành có thêm sức mạnh mới – Đó là niềm tin về một vụ mùa bội thu “được mùa – được giá”; có đủ dũng khí vượt gian khó, phấn đấu về đích, hoàn thành kế hoạch năm.

MINH KHÔI