Sẵn sàng cho mùa cạo mới

CSVN – Đầu tháng 5, các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đã hoàn tất công việc trang bị vật tư cho vườn cây và sẵn sàng tiến hành thu hoạch mủ khi có mưa.

Anh Moong Văn Can – Công nhân Tổ 9, NT Mo Rai I, Cao su Chư Mom Ray đang tích cực trang bị những chén hứng mủ cuối cùng cho phần cây của mình
Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng

Dưới cái nắng nóng như thiêu, như đốt với nhiệt độ ngoài trời lên tới 39 độ C, anh Moong Văn Can – Công nhân Tổ 9, NT Mo Rai I, Cao su Chư Mom Ray vẫn miệt mài, cố gắng và nỗ lực hết sức để hoàn tất công việc đặt những cái chén hứng mủ cuối cùng lên phần cây của mình.

Chững lại phần việc khi thấy chúng tôi, anh Can cho biết: “Đây là công việc thường xuyên, hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch mủ. Năm nay, ăn Tết xong là công ty, NT đã quán triệt anh em công nhân mình chủ động và tích cực trang bị vật tư cho vườn cây tốt nhất, sẵn sàng đi cạo khi vườn cây đủ độ ẩm”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Duy Vương – Phó TGĐ công ty, phụ trách mảng nông nghiệp cho hay: “Đến thời điểm giữa tháng 4, công tác trang bị vật tư cho hơn 4.759 ha vườn cây khai thác cơ bản được công nhân hoàn thành. Chúng tôi đang tập trung kiểm tra, rà soát lại công tác trang bị ở từng tổ sản xuất để khi ra quân thu mủ mọi việc được thuận lợi và chủ động về thời gian”.

Để có góc nhìn bao quát hơn về công tác chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới, chúng tôi đến tìm hiểu việc này ở tổ sản xuất xa nhất của Cao su Sa Thầy, nơi có vườn cây giáp đường tuần tra biên giới. Đi cùng chúng tôi là anh Lê Văn Trường – Phó Phòng Kỹ thuật nông nghiệp công ty và anh Dương Văn Khẩu – Phó GĐ phụ trách NT Suối Đá. Vòng vèo qua từng con đường lô gồ ghề, lúc đường bê tông, khi lại đường cấp phối, trên lô lác đác vài công nhân đang loay hoay gắn những chiếc máng che mưa cuối cùng cho cây cao su.

Anh Khẩu cho hay: “Có thể nói, đến thời điểm hiện nay công tác trang bị vật tư cho vườn cây khai thác ở NT Suối Đá đã hoàn tất được hơn 90% công việc. Nếu so với năm trước thì công việc này chậm hơn khoảng một tuần, điều này cũng không ảnh hưởng nhiều lắm bởi hiện thời tiết vẫn chưa có dấu hiệu mưa nên người công nhân cứ túc tắc làm”.

Qua tìm hiểu, công tác trang bị cho vườn cây của NT có phần chậm hơn so với năm trước là bởi năm nay mưa đến chậm, nhiều người tranh thủ vào rừng nhặt ươi để kiếm thêm thu nhập trong mùa nghỉ cạo, một số khác tranh thủ thu hoạch điều.

Đang nắn nót khơi từng đường cạo trên cây cao su chưa trang bị máng mái, nhưng khi được hỏi, chị Phan Thị Ngơi ở Tổ 1 lại rất tự tin và vui vẻ cho biết: “Việc mở miệng cạo trước khi gắn máng, mái che mưa cho cây sẽ thuận lợi hơn so với việc gắn máng che trước rồi mở miệng sau. Khi tiến hành mở miệng cạo trước mà không gắn máng thì công việc khơi đường cạo mới không bị vướng, máng sẽ không bị rách, nên đơn vị chỉ đạo anh em khơi miệng cạo trước, gắn máng sau. Phần còn lại, mình tập trung vài ngày gắn máng là hoàn tất công việc trang bị”.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị trước mùa cạo, anh Lê Văn Trường – Phó Phòng Kỹ thuật nông nghiệp Cao su Sa Thầy cho hay: “Công ty luôn chủ động nhắc nhở các đơn vị đôn đốc công nhân tích cực và chủ động trang bị cho vườn cây khai thác, tùy theo diễn biến của thời tiết để công tác ra quân thu hoạch mủ được chủ động. Chúng tôi luôn linh hoạt, kỹ lưỡng trong việc này bởi làm càng kỹ thì công việc khai thác mủ trong cả năm cũng sẽ được thuận lợi”.

Nhìn chung, không chỉ Cao su Chư Mom Ray, Sa Thầy đã trang bị xong cho vườn cây khai thác mà tại các đơn vị khác cũng đã hoàn tất. Thậm chí, Cao su Chư Păh, Kon Tum đã bắt đầu tiến hành thu mủ nước, các công ty còn lại như Cao su Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông, Ea H’leo hay Krông Buk vẫn chưa thể thu mủ nước vì chưa có trận mưa nào đủ lớn để đảm bảo các điều kiện thu hoạch mủ.

Gia cố, sửa chữa lại các khu tập thể để phục vụ người lao động trước mùa cạo tại Cao su Chư Mom Ray
Chờ mưa

Ngồi nép mình trong góc phía cuối dãy nhà tập thể để tránh cái nắng nóng, anh Puih Yẽn – Công nhân Tổ 3, NT I, Cao su Chư Mom Ray than thở: “Năm nay sao mà nắng nóng thế không biết, đến giờ này mà vẫn chưa có trận mưa nào, trong khi đó tầm này năm trước mình nhớ đã có 2 – 3 cơn mưa rồi và đã đi cạo mủ, còn năm nay chưa biết khi nào, vẫn phải chờ mưa thôi”.

Ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ công ty cho hay: “Với thời tiết này, hiện công ty vẫn chưa dám cho anh em mở miệng cạo, nắng quá sợ mở ra sẽ khô miệng cạo hoặc nứt vỏ, nguy cơ hư cây nên chúng tôi vẫn chủ trương cho anh anh em chờ mưa mới tiến hành mở miệng cạo xả”.

Được biết, năm 2023 Cao su Chư Mom Ray đã tiến hành mở miệng cạo vào ngày 25/4 và tiến hành thu mủ vào cuối tháng 4. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa mưa, do vậy công việc thu hoạch mủ chắc chắn sẽ chậm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, đến thời điểm nghỉ cạo toàn công ty đã khai thác được 19% kế hoạch cả năm, đây là tín hiệu tích cực để công ty củng cố và tin tưởng sẽ khai thác hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Tây Nguyên vẫn đang ở trong thời điểm nắng nóng gay gắt, chính quyền địa phương các tỉnh đang tích cực chỉ đạo việc chống hạn cho cây trồng và hỗ trợ người dân chống chọi với nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt.

Trong khi đó, với các công ty cao su trên địa bàn ngoài việc tích cực trang bị vật tư cho vườn cây khai thác, chờ mưa xuống sẽ tiến hành ra quân thu hoạch mủ thì một trong những công việc khá quan trọng và phải đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ đó là công tác phòng, chống cháy.

Trong câu chuyện với chúng tôi, công nhân Phan Thị Ngơi ở Cao su Sa Thầy cho biết: “Thời gian gầy đây đã có nhiều đám cháy rừng xảy ra gần với vườn cây cao su, đây là mùa người dân đi lấy mật ong, đi nhặt ươi và đốt rừng làm rẫy nên rất dễ xảy ra cháy”.

Trong khi đó, theo anh Dương Văn Khẩu – Phó GĐ phụ trách NT Suối Đá, Cao su Sa Thầy: “Hiện NT phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm hết các chi phí để dành kinh phí thuê người trực chống cháy 24/24 giờ, mỗi ngày NT tốn hết 2 triệu đồng”.

Việc chống cháy ở các đơn vị trên địa bàn Gia Lai, Đăk Lăk tuy không gay gắt như các đơn vị có vườn cây tiếp giáp bìa rừng, trong thời gian này nhiều đơn vị tiến hành tổ chức tập huấn cho lao động về công tác gắn mái, máng che mưa, tổ chức đào tạo tay nghề cho công nhân mới và yếu, tổ chức hội nghị nông nghiệp để đánh giá công tác nông nghiệp trong năm qua và đề ra các biện pháp thực hiện hiệu quả trong năm mới.

VĂN VĨNH