Kỳ vọng vào thị trường cao su năm 2024

CSVN – Đó là nhận định của các chuyên gia trong khuôn khổ chương trình Hội nghị quốc tế ngành cao su Việt Nam và hội thảo ngành cao su bền vững, do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tổ chức, ngày 15/12.

Các doanh nghiệp nhận chứng nhận nhãn hiệu “Cao su Việt Nam”. Ảnh: Vũ Phong
Linh hoạt thích ứng với thị trường nhiều biến động

Hội thảo ngành cao su là diễn đàn thường niên không chỉ dành cho doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ cao su mà còn là dịp để các bên trong ngành trực tiếp trao đổi về nhu cầu tiềm năng đối với ngành cao su thiên nhiên bền vững, các xu hướng và giải pháp thích ứng để phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Thông qua hội thảo lần này, các chuyên gia đã nhận định rằng ngành cao su đang có dấu hiệu phục hồi sau thời gian trầm lắng.

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, hoạt động khai thác và sản xuất của ngành cao su thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động của điều kiện thời tiết bất thường, thiếu nhân công lành nghề và bệnh hại cao su ở một số nước sản xuất lớn. Giá cao su thiên nhiên thế giới trong 10 tháng đầu năm 2023 giảm so với mức giá bình quân cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá cao su thiên nhiên cho thấy dấu hiệu phục hồi trong 2 tháng gần đây theo đà hồi phục về sự lạc quan với triển vọng kinh tế Trung Quốc và dòng mua của các quỹ hàng hóa.

Trước đó, Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên đã dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong năm 2023 dự kiến đạt 14,927 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm 2022, trong khi tiêu thụ được dự báo đạt 15,575 triệu tấn, tăng 0,2% so với năm trước. Việc sản lượng giảm ở cả Thái Lan và Indonesia khiến nguồn cung thế giới thấp hơn dự kiến trong mùa sản xuất cao điểm do tác động của biến đổi khí hậu và năng suất vườn cây thấp cũng đã thúc đẩy giá thị trường giao ngay tăng cao. Đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, ngành cao su Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để đạt được thành quả cao với tinh thần linh hoạt thích ứng trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.

Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su ước đạt hơn 6,6 tỷ USD, chiếm kim ngạch cao nhất là sản phẩm cao su ước đạt gần 3,2 tỷ USD, tiếp đó cao su thiên nhiên ước đạt giá trị gần 1,9 tỷ USD và gỗ cao su với giá trị ước đạt hơn 1,5 tỷ USD”.

Về xu hướng thị trường, không chỉ các quốc gia và vùng lãnh thổ dần đưa ra các cam kết và quy định chặt chẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững mà các bên tiêu thụ, khách hàng cũng ngày càng quan tâm sát sao về vấn đề này. Ngày 23/6/2023, Liên minh Châu Âu đã ban hành quy định chống mất rừng áp dụng với 7 nhóm mặt hàng nông sản, trong đó có cao su, khi nhập khẩu vào EU phải đảm bảo quá trình sản xuất và tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí… Các doanh nghiệp quy mô lớn có 18 tháng và doanh nghiệp quy mô nhỏ có 24 tháng tính từ thời điểm quy định có hiệu lực để chuẩn bị và ứng phó. Điều này đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp cao su thiên nhiên của Việt Nam cũng phải nỗ lực chuyển đổi để thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng và liên tục, duy trì thị phần lâu dài và ổn định trong bối cảnh giá cao su luôn ở mức thấp trong nhiều năm qua. Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam.

Cũng tại hội thảo lần này, các đại biểu đã nghe nhiều chuyên đề hữu ích về ngành cao su, như: Sự thích ứng của ngành cao su toàn cầu với xu hướng mới nổi chuyển đổi thách thức thành cơ hội, với sự trình bày của ông GS Joseph Adelegan – Tổng thư ký và Trưởng ban điều hành tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG); Triển vọng ngành cao su Việt Nam và các khuyến nghị do ông Võ Hoàng An – Tổng thư ký VRA trình bày; Kết quả chương trình phát triển bền vững và lộ trình tiếp theo do ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban Công nghiệp VRG trình bày; Hỗ trợ doanh nghiệp cao su đáp ứng nhu cầu thị trường do TS. Vũ Tấn Phương – Giám đốc, Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) trình bày; Xu hướng giá cao su trong năm 2024 và dài hạn…

Các doanh nghiệp được vinh danh Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2023 (CSI). Ảnh: Vũ Phong
21 doanh nghiệp được chứng nhận nhãn hiệu “Cao su Việt Nam”

Tại Hội nghị quốc tế ngành cao su Việt Nam, VRA đã vinh danh các hội viên nhận giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cao su Việt Nam”, hội viên hoàn thành xuất sắc việc sử dụng nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” và doanh nghiệp đạt danh hiệu xuất khẩu uy tín, đồng thời cấp chứng nhận cho các đơn vị tài trợ.

Năm 2023 là năm thứ 8 VRA thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam. Thương hiệu ngành cao su Việt Nam ngày càng được nhận diện qua nhãn hiệu “Cao su Việt Nam”. Hàng năm, VRA thực hiện việc thẩm định đánh giá nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” trên cơ sở quy chế và quy trình sử dụng nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” do Hiệp hội ban hành nhằm nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm của doanh nghiệp nói riêng và của ngành cao su nói chung, góp phần xây dựng thương hiệu cao su Việt Nam ngày càng phổ biến trong nước và nước ngoài.

Hiện nay, nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” đã được đăng ký bảo hộ tại 5 thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Lào và Campuchia. Có tổng cộng 21 doanh nghiệp đã sử dụng nhãn hiệu này cho 96 sản phẩm của 33 nhà máy trong đó có 17 doanh nghiệp Nhà nước, 4 doanh nghiệp tư nhân, 1 doanh nghiệp hoạt động tại Campuchia và 2 doanh nghiệp tại Lào đã cho thấy giá trị và uy tín của nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” ngày càng được doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao theo mỗi năm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trị – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành cao su Việt Nam trong năm qua. “Trong thời gian qua, VRA đã triển khai và thực hiện một cách hiệu quả đề án xây dựng và phát triển thương hiệu cho ngành công nghiệp cao su Việt Nam thông qua việc sử dụng nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” để xác định, đánh giá hình ảnh và độ tin cậy của sản phẩm cao su Việt Nam trong mắt khách hàng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tích cực đồng hành và hỗ trợ đối với VRA nhằm đạt được mục tiêu phát triển chung của ngành trong thời gian tới” – ông Trị nhấn mạnh.

HẰNG NY