Xuất khẩu gỗ với nỗi lo lạm phát ở Mỹ

CSVNO – Mỹ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ Việt Nam. Vì vậy, lạm phát tăng cao tại thị trường đang ảnh hưởng không nhỏ tới ngành gỗ.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Thanh Sơn.

Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có sự tăng trưởng rất tích cực. Ngay trong tháng đầu tiên của năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 1,55 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoại trừ tháng 2 (do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ các tháng còn lại trong 5 tháng đầu nay, đều đạt giá trị cao, từ trên 1,3 tỷ USD đến gần 1,6 tỷ USD. Nhờ vậy, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt xấp xỉ 7 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ những tháng gần đây đang có xu hướng giảm. Cụ thể, trong tháng 5/2022 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,38 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng 5/2021. Nửa đầu tháng 6, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 661 triệu USD, giảm gần 100 triệu USD so với nửa đầu tháng 6/2021.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chậm lại, do tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất đều tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm bởi tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraina, tình hình dịch bệnh bùng phát và chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn còn ở mức cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành gỗ bắt đầu có dấu hiệu thiếu đơn hàng do lạm phát cao tại các thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường Mỹ.

Theo ông Phương, đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm giá rẻ, nhóm sản phẩm này ước chiếm khoảng 70-80% trị giá xuất khẩu đồ gỗ. Lạm phát tăng quá cao ở Mỹ đang ảnh hưởng lớn tới những người có thu nhập trung bình và thấp, khiến cho những người này đang phải thắt chặt chi tiêu. Thành ra, những dòng hàng giá rẻ bị ảnh hưởng nhiều về tiêu thụ. Trong khi đó, những sản phẩm giá trị cao vẫn không bị giảm đơn hàng.

Mỹ chiếm tới 60% trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, nên tình trạng lạm phát quá cao ở thị trường này đang tác động không nhỏ tới ngành gỗ nước ta khi mà nhiều nhà nhập khẩu ở Mỹ đã giảm mua đồ gỗ.

Không chỉ Mỹ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường lớn khác như EU, Hàn Quốc … cũng bắt đầu có dấu hiệu khó khăn do lạm phát.

Lạm phát ở Mỹ đang ảnh hưởng tới ngành gỗ Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Ở chiều ngược lại, một số thị trường đang tăng mạnh nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang những thị trường này còn khiêm tốn nếu so với Mỹ, EU…, vì vậy không thể bù đắp được nỗi lo lắng của các doanh nghiệp ngành gỗ khi mà các khách hàng từ Mỹ đang mua chậm lại.

Thông tin từ một số chuyên gia ngành gỗ cho hay, trong khi xuất khẩu đồ gỗ đang gặp khó khăn, thì xuất khẩu viên nén và dăm gỗ lại đang tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, do đồ gỗ chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nên sự tăng trưởng của những mặt hàng này cũng không bù lại được với những khó khăn về xuất khẩu đồ gỗ.

Trước tình hình đó, ở thời điểm này, các chuyên gia đều thận trọng trong việc đưa ra nhận định về tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm nay. Tuy nhiên, nhờ trị giá xuất khẩu trong nửa đầu năm đã ở mức cao nên nhiều khả năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm vẫn có thể ở mức tương đương với năm 2021 hoặc cao hơn một chút.

Do đơn hàng đang có xu hướng giảm, không còn đổ về dồn dập như trước, nên các doanh nghiệp cũng đang tính toán lại về đơn hàng, bạn hàng… để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối ưu nhất và giữ được thị trường, khách hàng trong bối cảnh lạm phát cao vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu.

theo Nông nghiệp Việt Nam