Cao su Điện Biên: Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

CSVNO – Ngày 16/9, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên do đồng chí Mùa A Vảng – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn khảo sát về tình hình thực hiện phát triển cây cao su, lãnh đạo Công ty CPCS Điện Biên đề xuất 4 nội dung chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để dự án phát triển bền vững.


Đ/c Mùa A Vảng – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc với Công ty CPCS Điện Biên

Sau 12 năm thực hiện dự án phát triển cây cao su, đến nay Công ty CPCS Điện Biên đang quản lý, trồng và chăm sóc gần 3.737,8ha cao su, trồng mới trên 700ha cao su thuộc Nông trường Cao su Mường Nhé (cũ) để thành lập Công ty CPCS Mường Nhé – Điện Biên.

Năm 2017, Công ty bắt đầu mở cạo khai thác mủ với diện tích hơn 630,8ha, đến năm 2020 là trên 2.279ha (chiếm 61% diện tích cao su đã trồng). Đảm bảo năng suất, sản lượng và phù hợp với điều kiện thời tiết, mùa vụ; Công ty áp dụng chế độ cạo D3, D4 và mỗi công nhân, hộ khoán được bố trí tối đa 4 phần cạo (mỗi phần cạo từ 400 – 500 cây cao su).

Năm 2019, diện tích khai thác 1.746ha, sản lượng đạt 1.872 tấn mủ quy khô, năng suất bình quân 1,07 tấn/ha. Năm 2020, Công ty được VRG giao kế hoạch khai thác 2.279ha, sản lượng 2.700 tấn. Đến ngày 31/8, Công ty đã thu hoạch 1.357 tấn mủ quy khô, đạt 50% kế hoạch năm, doanh thu ước đạt 33,5 tỷ đồng.

Xác định thực hiện nhiệm vụ tổ chức SXKD gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, Công ty luôn quan tâm tới đời sống, việc làm của người lao động. Cùng với chính quyền địa phương, đến nay Công ty đã đào tạo nghề và tuyển dụng, bố trí việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Trung bình mỗi năm Công ty chi trả khoảng 30 tỷ đồng tiền lương, tiền công cho công nhân và người lao động địa phương; tiền lương bình quân 8 tháng đầu năm 2020 của người lao động đạt 4,1 triệu đồng/người/tháng, đóng nộp các chế độ bảo hiểm cho 571 lao động với tổng số tiền trên 4,4 tỷ đồng.

Công ty hỗ trợ xây dựng 18 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số tiền hơn 616 triệu đồng; mỗi năm thăm, tặng quà trị giá hơn 300 triệu đồng cho công nhân lao động ốm đau, các dịp lễ Tết…

Đ/c Mùa A Vảng (thứ 2 ngoài cùng bên trái) khảo sát vườn cây cao su tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên

Tại buổi làm việc, Công ty CPCS Điện Biên kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên 4 nội dung:

Một là, nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp các điều kiện để doanh nghiệp, người lao động Công ty được hưởng hỗ trợ do đại dịch Covid-19 theo quyết định của Chính phủ.

Hai là, cây cao su được xác định là cây đa mục đích, đảm bảo các tiêu chí của rừng trồng, vì vậy đề nghị cho Công ty hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ba là, đồng ý cho Công ty được đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động –Bệnh nghề nghiệp cho lao động theo phương thức 6 tháng một lần. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình, cá nhân có đất góp trồng cao su đồng thời giúp Công ty ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên có ý kiến để UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, xã hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân có đất trồng cao su và giải quyết các vướng mắc về hồ sơ đất đai để doanh nghiệp hoàn thành ký kết hợp đồng góp quyền sử dụng đất trồng cao su với người dân năm 2020.

Với những nội dung kiến nghị của Cao su Điện Biên, đồng chí Mùa A Vảng- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên ghi nhận, tổng hợp để kiến nghị các cấp, ngành liên quan giải quyết.


Đồng chí Mùa A Vảng (hàng đầu ngoài cùng bên phải) trao quà cho cán bộ, công nhân tại Đội Cao su Mường Pồn, Nông trường Cao su Điện Biên

GIA KIỆT