Xóm nghèo sợ Tết

CSVN – Trời đã sang xuân, ai cũng háo hức, chộn rộn sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ Tết. Nhưng đâu đó giữa lòng Sài Gòn vẫn còn nhiều xóm nghèo của dân ngụ cư thập phương, đối với họ Tết là cái gì đó quá xa xỉ. Nói đúng hơn, họ rất sợ Tết.

Con đường đất dẫn vào xóm “ve chai” với những ngôi nhà xập xệ
Những phận người ly hương

Xuôi theo Đại lộ Võ Văn Kiệt, qua cầu Lò Gốm, men theo xóm “hành tỏi”, chúng tôi quẹo xe vào xóm “ve chai”. Con đường đất ngoằn ngoèo, bụi bặm, hai bên chất đầy ve chai, phế liệu. Xóm không có tên, hầu hết những gia đình ngụ cư ở đây sống bằng nghề lượm ve chai nên người ta gọi là xóm “ve chai”.

Bỏ mặc những nhộn nhịp hoa lệ của đường phố lộng lẫy đón xuân, chị Nguyễn Thị Bé vẫn miệt mài đứng phân loại phế liệu. Chị chỉ tay về phía xa xa, căn nhà thuê của chị và 6 đứa con cư ngụ. Gọi là nhà nhưng thực chất  chỉ là căn lều che bằng ván, lợp bạt, xiêu vẹo.

Chị Bé quê ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Gia cảnh nghèo khó, chồng bỏ đi nơi khác sống, chị dắt theo 6 đứa con vào Sài Gòn mưu sinh. Con gái lớn của chị 17 tuổi, thường ngày đi phụ bán hàng, lau nhà thuê. Còn lại thu nhập của cả nhà dựa vào vựa ve chai phế liệu trong xóm.

Chị Bé tâm sự: “Mỗi tháng tôi phân loại phế liệu cho vựa được 4 triệu, ngoài ra, tiền lượm ve chai của cả nhà được hơn 2 triệu. Số tiền đó chỉ đủ trả tiền nhà, điện nước và cơm mắm ngày hai bữa. Con cái đều không được học hành, hằng ngày quanh quẩn bên cái vựa ve chai này”.

Men theo con đường đất, vượt qua đống phế liệu chất cao như núi là nhà bà Hai. Căn nhà ọp ẹp bằng ván cũ rộng chưa đến 5m2, là nơi cư ngụ 15 năm qua của bà.

Chồng chết sớm, không có con cái, bà một mình rời quê hương Bến Tre vào đây sinh sống. Nay bà đã gần  70 tuổi, sức khỏe yếu, mỗi ngày lang thang từ sáng đến tối lượm ve chai kiếm được chừng 50 nghìn đồng, sống lay lắt qua ngày.

Khi được hỏi về những lúc trở trời, ốm đau, bà Hai chỉ tay về hướng một căn nhà cấp 4, tường gạch đỏ: “Những lúc ốm đau tui đều nhờ cả vào vợ chồng cô Thu”.

Chị Thu cũng là người lao động trong xóm ve chai này, chồng chị làm bảo vệ cho một khách sạn ở quận 8. Hai anh chị đều quê ở Sóc Trăng, vào Sài Gòn kiếm sống, gặp nhau rồi về đây thuê nhà sống chung và có một con trai 5 tuổi đang học mẫu giáo. Có lẽ nhà chị Thu là khá giả nhất trong cái xóm “ve chai” tồi tàn này.

Căn nhà ọp ẹp của chị Nguyễn Thị Bé trong xóm “ve chai”
Sợ Tết

Trong xóm ve chai này, khi được hỏi về cái Tết sắp đến, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Với chị Bé, Tết là cái gì đó quá xa xỉ, bởi lo ăn cho cả nhà mỗi ngày đã khó, mong gì đến Tết? Sau vài giây bối rối, chị lại tâm sự: “Thú thật 10 năm xa quê tui nhớ quê, nhớ nhà lắm. Nhưng cuộc sống khó khăn, năm trước ba tui mất tui còn không về chịu tang được huống gì là Tết?

Còn với bà Hai, ở quê bà vẫn còn có anh chị em, nhưng ai cũng còn gia đình, con cái, cuộc sống cũng khó khăn. Nếu bà trở về sẽ thêm gánh nặng cho họ. Vậy nên một mình bà vẫn miệt mài bươn chải, cố gắng tồn tại ở cái xóm nghèo này. Tết cũng như ngày thường, vẫn chiếc áo sờn cũ, vẫn lang thang trên khắp các con đường, lượm lặt. Có chăng, Tết là lúc nhà nhà họp mặt, tiệc tùng, bà sẽ có thêm ít đồng từ chai lọ, vỏ lon. Nhưng nhìn cảnh  mọi người sum họp, bà lại tủi cho cái thân già cô độc, lẻ loi giữa thành phố rộng lớn này.

Riêng vợ chồng chị Thu, năm nay dịch bệnh, công việc chồng chị bấp bênh, số tiền dành dụm cả năm được mấy triệu đồng, anh chị tằn tiện gởi   về quê cho gia đình nội ngoại. Mấy ngày Tết tiền ăn còn thiếu huống chi là sắm Tết, về quê. Nói rồi chị lấy từ trong chiếc túi ni lông bộ quần áo mới và gọi thằng cu Tí đang chơi ngoài đống phế liệu vào. Bộ đồ vừa vặn, thằng cu Tí hớn hở chạy khắp xóm khoe, vậy là Tết có quần áo mới đi nhận lì xì. Tết của chị chỉ có vậy, không bánh, không dưa, chỉ là bộ đồ mới trong tiếng reo vui, hớn hở của thằng cu Tí.

Vậy đó, trong cái xóm nghèo này ai cũng sợ Tết, sợ không có nổi bộ đồ mới, sợ căn nhà ọp ẹp không hoa, không quả, bánh mứt. Và hơn ai hết, họ  sợ cảm giác trơ trọi giữa cái thành phố xa hoa, náo nhiệt, ngập tràn sắc hoa và tiếng cười rộn rã của dòng người du xuân khắp phố.

ĐÀO PHONG