CSVN – Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Đông – Công nhân Đội 1, Nông trường Sông Giêng (Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận) khi chúng tôi ghé thăm mô hình chăn nuôi dê phát triển kinh tế phụ của gia đình.
Liều nuôi thử mà lãi thật
Đến Nông trường Sông Giêng, hỏi thăm vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông (42 tuổi) chị Đặng Thị Yến (38 tuổi) ai cũng xuýt xoa, thán phục về đức tính cần cù, chịu khó, nỗ lực vươn lên làm giàu bằng chính sức lực của mình – Vợ chồng anh là tấm gương điển hình phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi dê.
Gặp anh Đông vào chiều muộn, anh vồn vã mời chúng tôi tham quan “trang trại” nhỏ với những con dê mẹ, dê con bụng căng tròn, no đủ. Trên khuôn mặt rám nắng của người công nhân khai thác mủ, không giấu được niềm vui, anh hồ hởi cho biết, “Năm 1996 chúng em từ Thái Bình vào làm kinh tế mới tại Tánh Linh – Bình Thuận. Năm 2002 chúng em “về chung một nhà” và làm công nhân cao su tại Nông trường Sông Giêng”.
Khi chúng tôi hỏi vì sao anh lại có ý tưởng phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi dê. Anh Đông bộc bạch: Cách đây hơn 5 năm, đời sống của người công nhân cũng gặp nhiều khó khăn do giá mủ xuống thấp, trong “cái khó ló cái khôn”, có người quen cũng từng đã có kinh nghiệm nuôi dê rủ “thử làm giàu”, thấy “dễ ăn”, thế là vợ chồng liền bỏ vốn khoảng 30 triệu đồng (cả chi phí làm chuồng) mua bốn dê mẹ về nuôi thử. Ai ngờ “nuôi thử mà lãi thật”. Đến nay ngoài lãi thu được hơn 400 triệu, vợ chồng còn có cả “gia tài” 60 con dê cả mẹ lẫn con”, anh cười mãn nguyện chỉ vào đàn dê đông đúc trong chuồng.
Sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm “Làm giàu từ dê”
Với anh, nuôi dê không tốn nhiều thời gian, nếu biết sắp xếp hợp lý và khoa học bản thân anh có thể nuôi 100 con dê mà không ảnh hưởng đến công việc của nông trường giao. “Dê là loài vật dễ nuôi, ăn dễ, ít dịch bệnh, ít tốn công sức, đầu ra lại ổn định. Nhà mình nhân giống từ dê mẹ đẻ dê con, cứ thế nuôi tầm 3 tháng được khoảng 17-18 kg là xuất chuồng.
Mỗi năm xuất 2 lần cũng được 120 triệu đồng. Ngoài ra mỗi năm còn thu thêm từ nguồn phân thải cũng được trên 17 triệu đồng. Hiện giá dê thương phẩm khá cao, khoảng 180 ngàn đồng/kg, lại dễ bán, không sợ “ế hàng”. Mỗi con dê mẹ mỗi lần đẻ khoảng 2 -3 dê con, bán dê con được hơn 2 triệu đồng/con…”, anh Đông say sưa kể về hiệu quả kinh tế từ nuôi hình nuôi dê của mình.
Trước đây, cuộc sống gia đình anh chị khá chật vật. Nhưng từ khi biết chắt chiu, cần mẫn, chăm chỉ “chịu thương chịu khó” làm kinh tế phụ, anh chị có “của ăn của để”, đời sống nhiều khởi sắc, nuôi hai con ăn học, làm lại căn nhà rộng rãi khang trang…
Không ai có thể ngờ rằng, đôi vợ chồng trẻ ấy ngoài làm kinh tế giỏi, còn là “hạt nhân” trong các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của nông trường, công ty. Trong lúc anh Đông tất bật cho dàn dê ăn thì chị Yến vội vàng đi “đón con” học mẫu giáo về.
Khuôn mặt đôn hậu với nụ cười tươi, chị trải lòng: “2 con của vợ chồng mình đã lớn, nay mình có nhận nuôi thêm cháu nhỏ 6 tuổi (bên nhà chồng – P.V). Nhìn cháu thiếu thốn vật chất và tình cảm gia đình nên thương, bàn với chồng đưa về nuôi nấng, chăm sóc, yêu thương như con đẻ của mình”.
Khi hỏi về những dự định cho tương lai, anh chị cho biết, sắp tới sẽ tăng quy mô chuồng trại, đưa đàn dê vào trong rẫy để tiện chăn thả. “Còn “bí quyết” làm giàu, chắc chắn rồi, vợ chồng mình sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người nếu như ai đó có nhu cầu và cùng chí hướng muốn “làm giàu từ nuôi dê”, anh Đông chân thành.
NGUYỄN LÝ
Related posts:
- Dịch COVID-19: Chủ động phương án ứng phó khi phát hiện ca mắc trong khu công nghiệp
- Thưởng thức thắng cố ở cao nguyên đá Đồng Văn
- Đồng Nai yêu cầu người đến từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-Co...
- Công ty Bình Dương tặng 875 suất quà cho bà con khó khăn
- "Độc chiêu" thử lòng chồng
- Buồn chán vì chồng ít chuyện trò tâm sự
- Vẫn trăn trở với chuyện thu nhập của người lao động ngành cao su
- Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ tối đa TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam
- Cao su Sa Thầy hướng về miền Nam thân thương
- Nông nghiệp Việt Nam quyết làm ăn lớn