CSVN – Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi tình hình dịch hại trên cây cao su. Những thay đổi này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất.
Dịch hại cây trồng được định nghĩa là bất cứ loài, chủng hoặc dạng sinh học thực vật, động vật hoặc vi sinh vật bao gồm: côn trùng, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn, vi rút, phytophasma, cỏ dại, chuột và các sinh vật khác gây hại tài nguyên thực vật. Khi dịch hại bộc phát trên diện rộng được gọi là dịch. Biến đổi khí hậu hiện đang xảy ra trên toàn cầu.
Khí hậu thay đổi không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng mà còn có tác động mạnh đến sự đa dạng, phân bố, sinh sản, tăng trưởng, phát triển của dịch hại. Nó có khả năng làm thay đổi các giai đoạn và tốc độ phát triển của dịch hại cũng như thay đổi sức đề kháng của vật chủ dẫn đến thay đổi sinh lý của các tương tác giữa ký chủ và dịch hại. Dự kiến, phạm vi ảnh hưởng của nhiều loại dịch hại sẽ mở rộng hoặc thay đổi và dịch hại mới có thể xuất hiện khi hệ sinh thái tự nhiên hiện tại phản ứng với sự thay đổi khí hậu.
Sự xuất hiện một loại dịch hại trên cây trồng là kết quả của sự tương tác giữa cây ký chủ, dịch hại và môi trường. Mọi thay đổi trong bất kỳ thành phần nào của tam giác tương tác này đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến mức độ biểu hiện dịch trong một hệ thống nhất định. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các hình thức dịch đã thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi để đáp ứng với tác động của thay đổi khí hậu đối với dịch hại và cây ký chủ.
Các thông số thời tiết có vai trò quan trọng trong việc kích hoạt và lây lan dịch hại trên cây cao su. Do đó biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi mức độ và phân bố dịch hại trên cây cao su. Nó có thể làm tăng hoặc giảm tỷ lệ mắc một số bệnh và sâu bệnh bằng cách thay đổi các điều kiện sẽ gây ra dịch.
Hầu như tất cả các loại dịch hại xuất hiện trên cây cao su đều đã tồn tại và được ghi nhận từ lâu. Tuy nhiên, một số trước đây được xem là không đáng kể nay đã trở nên phổ biến hơn, một số chỉ gây hại trên cây con vườn ương nay cũng gây hại cây trưởng thành. Những thay đổi về mức độ nghiêm trọng cũng đã được ghi nhận.
Một số bệnh cao su đã thay đổi tầm quan trọng tương đối của chúng, chẳng hạn như bệnh rụng lá phấn trắng, rụng lá Corynespora đã bùng phát và gây hại nghiêm trọng hơn khi thay đổi khí hậu. Bệnh rụng lá mùa mưa xảy ra ở khu vực trồng cao su mới, nơi bệnh này chưa được ghi nhận. Gần đây, bệnh rụng lá Pestalotiopsis được coi như là một loại bệnh mới đã bùng phát tại một số nước trồng cao su.
Liên quan đến bệnh phấn trắng, sự thay đổi chế độ mưa, nhiệt độ, sương mù và độ ẩm cao có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh này. Bệnh nghiêm trọng hơn trong điều kiện độ ẩm cao (97 – 100%) và giữa nhiệt độ 23 đến 25°C. Bệnh có thể làm giảm năng suất cao su lên tới 45%.
Do đó, bệnh phấn trắng là một yếu tố hạn chế đáng kể đối với các khu vực trồng cao su trên thế giới, đặc biệt là ở các khu vực có độ ẩm cao. Sự xuất hiện của bệnh đang tăng lên nhanh chóng. Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân vì nó làm tăng khả năng điều kiện khí hậu cho phép dịch bệnh bùng phát.
Điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc rụng lá Corynespora là độ ẩm bão hòa và nhiệt độ cao (26- 300C). Do đó, bệnh thường xảy ra và phát triển khi thời tiết có mưa trong điều kiện nóng, chẳng hạn như vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa (tháng 4 – tháng 6). Bệnh Corynespora tại Việt Nam là một ví dụ cho điều này. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 và sau 10 năm, nó đã bùng phát do điều kiện thời tiết thuận lợi như nhiệt độ cao và độ ẩm cao xảy ra cùng lúc.
Hơn 20.000 ha đã bị ảnh hưởng. Các điều kiện thời tiết bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, vì nhiệt độ ấm hơn, mưa thất thường … là điều kiện thuận lợi cho sự tái phát bệnh. Ngày nay, bệnh Corynespora đã xuất hiện ở hầu hết các khu vực trồng cao su và trở thành một trong những bệnh quan trọng trên cây cao su tại Việt Nam.
Biến đổi khí hậu cũng là một trong những yếu tố góp phần vào sự bùng phát của một căn bệnh mới được cho là do nấm Pestalotiopsis sp., Colletotrichum spp. và/hoặc một số loại nấm chưa biết. Bệnh bùng phát đầu tiên từ Indonesia và Malaysia vào năm 2017. Sau đó, nó trở nên nghiêm trọng hơn ở ở 2 nước này và tiếp tục xuất hiện ở Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan.
Vào cuối năm 2019, tổng diện tích cao su bị nhiễm bệnh là trên 520.000 ha, trong đó Indonesia hơn 387.000 ha; Malaysia gần 10.000 ha; Thái Lan 122,530 ha và Sri Lanka vào khoảng 1.000 ha. Bệnh gây rụng lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cây cao su và làm giảm đáng kể năng suất mủ.
Cây cao su cũng bị tấn công bởi nhiều loại côn trùng; tuy nhiên do chúng không thể tiêu hóa và hấp thụ mủ nên mức độ thiệt hại thấp hơn các loại cây trồng khác. Nhiều loài gây hại đã được tìm thấy trên cây cao su, nhưng chỉ một số loài có thể gây hại đáng kể cho cây như mối, sùng đất, nhện đỏ, nhện vàng, rệp sáp, rệp vảy… Mặc dù tỷ lệ sâu hại trên cây cao su tương đối thấp, nhưng nó cũng được ghi nhận là đang gia tăng vì nhiệt độ ấm lên trong những năm gần đây.
Tóm lại, biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi tình hình dịch hại trên cây cao su. Những thay đổi này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất. Do đó, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với dịch hại là rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại về năng suất và chất lượng, giúp lựa chọn các chiến lược để giải quyết các vấn đề trong sản xuất cao su tự nhiên.
Các nghiên cứu tiếp cận liên ngành mang tầm vóc quốc tế đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với dịch hại trên cây cao su cần được đưa ra và thông qua. Sự phức tạp của các quá trình liên quan và mối quan hệ của chúng đòi hỏi sự hợp tác giữa các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau.
NGUYỄN ANH NGHĨA
(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)
Related posts:
- Hỗ trợ giải pháp kỹ thuật canh tác cho nông dân
- Lê Ngọc Khánh giành giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Chư Păh
- “Phấn đấu sản lượng thu mua cao su tương xứng với tiềm năng”
- Cao su Ea H’leo về trước kế hoạch sản lượng 53 ngày
- Tự hào truyền thống 91 năm ngành cao su
- Đảng bộ VRG quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra
- Niềm tin vào vùng đất mới
- VRG ban hành quy chế mới về câu lạc bộ 2 tấn/ha
- Hội thi thợ giỏi trong mắt người nước ngoài: Ý nghĩa, bổ ích
- Chủ tịch HĐQT VRG gửi thư chúc mừng nhân Ngày Thi đua yêu nước 11/6