Tính bền vững của ngành công nghiệp cao su tự nhiên phụ thuộc vào tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển

CSVN – Nhu cầu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để giải quyết các vấn đề gián đoạn nguồn cung ngày càng cấp thiết. Cả cao su thiên nhiên (NR) và cao su nhân tạo (SR) đều cần lập kế hoạch và định hướng chiến lược cho R&D.

Cả cao su thiên nhiên và cao su nhân tạo đều có dấu hiệu về khả năng gián đoạn nguồn cung

NR là nguyên liệu thô không thể thiếu cho nền kinh tế toàn cầu. Lốp xe chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường thế giới và sử dụng kết hợp giữa NR và cao su nhân tạo (Synthetic rubber, SR) để đạt được hiệu suất và độ bền mong muốn. Tỷ lệ giữa NR và SR thay đổi ở các loại lốp khác nhau, trong đó lốp có kích thước lớn hơn sử dụng nhiều NR hơn.

Các thành phần làm từ cao su trong ô tô sử dụng mức SR cao hơn trong hỗn hợp. Nhiều ứng dụng cách ly rung động bao gồm gối cầu, đệm chống va cầu cảng và thậm chí cả đệm chống động đất, sử dụng nhiều NR hơn. Cao su NR vẫn quan trọng trong sản xuất các sản phẩm cao su y tế như găng tay và ống thông tiểu.

Gần đây, ngành công nghiệp cao su thế giới đã bày tỏ lo ngại về nguồn cung toàn cầu được duy trì và sẵn có. Cả NR và SR đều có dấu hiệu về khả năng gián đoạn nguồn cung. Trong trường hợp SR dựa trên nhiên liệu hóa thạch, người tiêu dùng tiếp tục gây áp lực buộc ngành công nghiệp phải thay đổi sang nguyên liệu tái tạo, vì các bằng chứng đổ lỗi cho nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu.

NR, mặc dù có thể tái tạo, nhưng ngày càng phải đối mặt với các vấn đề về suy giảm năng suất, thiếu lao động và việc áp dụng công nghệ kém của các hộ tiểu điền. Thực tế là cả NR và SR đều không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu về tính năng của các sản phẩm cao su. Trong các ứng dụng có nhiệt độ cao và môi trường nhiều dầu, chỉ có thể sử dụng một số loại SR nhất định. Trong khi đó, các ứng dụng phải chịu được nhiệt tích tụ cao, như trong lốp máy bay, NR là nguyên liệu không thể thay thế.

Cung cấp cho thế giới loại cao su phù hợp cho các ứng dụng khác nhau là thách thức lớn nhất, khi ngành sản xuất các sản phẩm cao su toàn cầu chuyển hướng khỏi các loại nguyên liệu không tái tạo. Nhu cầu đầu tư vào R&D để giải quyết các vấn đề gián đoạn nguồn cung như vậy ngày càng cấp thiết. Cả NR và SR đều cần lập kế hoạch và định hướng chiến lược cho R&D. Vì là nguyên liệu tái tạo, nhu cầu sử dụng NR sẽ ngày càng tăng. Đồng thời, R&D là cần thiết khẩn cấp để sản xuất các sản phẩm tái tạo có những đặc tính của SR. Biến đổi NR về mặt hóa học hoặc sinh học là những vấn đề đáng quan tâm cho R&D.

Khi thế giới chuyển đổi sang nền kinh tế NetZero, nên tìm hiểu lựa chọn sản xuất SR từ các nguyên liệu tái tạo như NR và các nguồn hydrocacbon tự nhiên khác. Trong trường hợp của NR, R&D phải tập trung vào việc nâng cao sản lượng, tăng năng suất và nâng cao sức sống của cây trồng. Đây là nơi mà tạo tuyển giống phải được tiếp tục ưu tiên. Nâng cao sản lượng cũng sẽ bao gồm giảm thời gian kiến thiết cơ bản và tổn thất năng suất do dịch bệnh và các nguyên nhân khác. Có thể cần có những chuyến đi đến các vùng ở Amazon để sưu tập chín loài Hevea còn lại, những loài chưa được khai thác thương mại, để mở rộng cơ sở nguồn gene.

Thiếu hụt lao động là yếu tố quan trọng khác của sản lượng. Các công nghệ sử dụng ít lao động hơn, đặc biệt là trong thu hoạch phải tiếp tục được phát triển. Đây là lúc R&D trong lĩnh vực số hóa và tự động hóa trở nên cấp thiết. Về lâu dài, R&D cũng nên xem xét việc thay đổi mô hình sản xuất NR. Tiến bộ trong công nghệ sinh học cũng không được bỏ qua.

Trong quá trình phát triển sản phẩm cao su, nghiên cứu và phát triển nên tập trung một cách hợp lý vào việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với vật liệu xanh. Ngành công nghiệp không nên giảm đầu tư vào R&D để phát triển các phương pháp mới sản xuất mủ cao su thông qua các kỹ thuật phân tử. Tuy nhiên, các công nghệ được tạo ra thông qua R&D sẽ không được sử dụng nhiều nếu chúng không được chuyển giao một cách hiệu quả vào thực tế. Việc áp dụng hiệu quả các công nghệ canh tác được chuyển giao trực tiếp cho nông dân từ các nhà nghiên cứu sẽ hiệu quả hơn. R&D và chuyển giao công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo nền kinh tế cao su thế giới có được nguồn cung cao su bền vững với các đặc tính kỹ thuật cần thiết.

DATUK DR. ABDUL AZIZ S.A. KADIR, TỔNG THƯ KÝ IRRDB – NGUYỄN ANH NGHĨA

(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)