“Nóng” Nghị định 100

CSVN – Chẳng biết từ bao giờ, con người đã phát minh ra một loại đồ uống mà ngày nay nó đã phát triển rực rỡ, ấy là rượu và bia. Thậm chí người ta không thể thống kê hết được 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có tới bao nhiêu loại rượu bia. Vì mỗi nước, mỗi địa phương, mỗi hãng và mỗi lò chưng cất đều có công nghệ chưng cất khác nhau để cho ra sản phẩm phục vụ thị hiếu, nhu cầu của mỗi người.
Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn của người dân tham gia giao thông. Ảnh: Internet.
Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn của người dân tham gia giao thông. Ảnh: Internet.
Hết thời “nam vô tửu như kỳ vô phong”

Việc lạm dụng rượu, bia trong những năm gần đây ở nước ta đã đến lúc cần nhìn lại thật nghiêm túc. Việc uống bia, rượu không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống như một phần không thể thiếu trong truyền thống văn hóa của người Việt, nhưng ngày nay bia, rượu lại được “cánh đàn ông” coi đó như “thước đo” sự chịu chơi, thước đo sức khỏe, ví như “thần tượng” đáng ngưỡng mộ. Thậm chí gặp nhau, chào nhau đã tự giới thiệu: hôm qua uống mấy chai, mấy thùng, đi mấy tăng… Rồi thì nào là rượu mạnh, lúc thì rượu thuốc ngâm đủ thứ để uống cho bổ, cho khỏe, lại có cả loại rượu thuốc “ông uống, bà khen” hoặc “một người uống hai người vui”… nhưng uống nhiều các đệ tử lưu linh “ngoắc cần câu” chả bà nào khen, chả cô nào vui vẻ. Không phải là không biết có mặt  trái,  hậu quả tiêu cực của nó nhưng các “môn đệ của lưu linh” vẫn truyền khẩu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” hoặc “Mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng”…

Trước đây cả nước chỉ có vài ba nhà máy bia, nhưng hiện nay nước ta có khá nhiều nhà máy bia mọc lên. Có địa phương nhà máy bia đóng góp rất lớn cho ngân sách của tỉnh. Do bia rượu – thuốc lá thuộc diện thuế tiêu thụ đặc biệt nên việc có nhà máy bia có thương hiệu vừa giải quyết công ăn việc làm cho tỉnh vừa có nguồn thu cho ngân sách địa phương cũng là giải pháp trước mắt góp phần tháo gỡ khó khăn. Chẳng thế mà một số anh em “xài” nhiều bia rượu đã “tự vỗ ngực”: Uống bia càng nhiều là góp phần đóng góp cho ngân sách nhiều nhất, làm tăng trưởng kinh tế địa phương!?

Vì đâu nên nỗi…

Nếu tính GDP bình quân đầu người năm 2018 theo Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới thì Việt Nam đứng hàng thứ 124/181 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, nhưng về tiêu thụ bia rượu thì đang đứng vị trí hàng đầu thế giới. Một thống kê cho thấy hiện các nhà máy bia VN sản xuất 3,4 tỉ lít bia, 250 triệu lít rượu thủ công và khoảng 70 triệu lít rượu công nghiệp, như vậy mỗi người Việt phải bỏ tiền bỏ sức ra để “ngốn” hết 8,9 lít cồn tương đương 470  chai  bia/năm. Người ta so sánh người Việt uống bia gấp 4 lần người Singapore, chỉ thua Hàn Quốc và Thái Lan còn các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật thì ta đều “vượt mặt” hết.

Có thể thấy hậu quả của bia rượu là: Mỗi năm nước ta có khoảng 8.000 – 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó nguyên nhân từ bia rượu chiếm khá cao. Chưa kể gấp đôi số đó  bị thương tích, gánh nặng xã hội và gia đình phải chi trả cho khoản này là vô cùng to lớn, lại nữa đây đa số là lực lượng lao động chính của gia đình và xã hội nên hậu quả không những trước mắt và lâu dài. Ta thử so sánh gần đây với các nước xảy ra chiến tranh như Vùng vịnh Ả Rập – số người chết vì không kích, bị đánh bom liều chết còn thua xa tai nạn giao thông của nước ta. Chưa kể “rượu vào – lời ra”, nhẹ thì cãi vả, nặng thì “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, có cuộc nhậu mời không uống bị cho “xem thường” dẫn đến ẩu đả, có người nài ép dẫn đến tự ái sinh chuyện đổ máu thương tâm.

Làm sao kể hết những kết cục hệ lụy của bia rượu, ngoài việc mất tiền, mất thời gian, và sức khỏe tính mạng trước mắt thì về lâu dài hậu quả của nó không thể tính được.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo các nước tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới phải đối mặt với các loại bệnh sẽ xuất hiện trong tương lai mà ngành y tế quốc gia đó phải có sự chuẩn bị cho kịp đà tăng trưởng không mong muốn đó là: thần kinh, tim mạch, gan, gout, viêm loét dạ dày tá tràng do hội chứng nghiện rượu bia… cảnh báo tác hại của nó với thai nhi khi có bố mẹ dùng rượu bia.

Như vậy vì tính cấp bách và thực tiễn của vấn đề mà Quốc hội đã ấn nút Luật phòng chống tác hại của rượu bia, từ ngày 01/01/2020 thực hiện Luật ấy bằng Nghị định (NĐ) 100/2019/ NĐ-CP.

Từ ngày đầu năm mới, cả nước “nóng hầm hập” với NĐ100. Đi đâu, ở đâu ai cũng bàn tán về NĐ này, có thể nói chưa có một NĐ nào được triển khai nhanh, mạnh, quyết liệt và được người dân quan tâm nhiều đến vậy. Nghị định quy định chỉ cần có nồng độ cồn >0,25 mg/lít khí thở hoặc 50mg/100ml máu là đã bị phạt, mức phạt lại nặng, xe máy từ 2-8 triệu đồng, giam bằng lái xe, xe hơi thì từ 6-40 triệu đồng, giam bằng lái đến 24 tháng hoặc tước bằng lái.

Theo trung tâm cấp cứu chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, khi thực hiện NĐ này số vụ cấp cứu đã giảm đi 40%. Một thực tế, các đại lý bia rượu cũng vì vậy mà giảm doanh thu, các nhà hàng quán nhậu trước đây nhộn nhịp nay vắng vẻ, đìu hiu. Nhưng không thể lấy sự tăng trưởng của bia rượu để bù đắp cho đủ hậu quả hàng chục vụ tai nạn giao thông mỗi năm, cái giá quá lớn của cả một thế hệ đất nước, nên cái lẽ phải làm nhanh làm quyết liệt là hoàn toàn có cơ sở.

Ngành cao su với Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Thực ra ngành cao su cũng không khác ngành khác là mấy về chuyện bia rượu, trong các dịp đại hội, hội nghị, sơ tổng kết từ chuyên môn đến Đảng, đoàn thể các cấp toàn Tập đoàn. Nếu tính bằng tiền cũng không phải là ít, đã có lúc một số đơn vị đã định không tổ chức liên hoan, mà “quy khô” kinh phí tổ chức liên hoan cho đại biểu về dự. Nhưng đưa ra bàn bạc thì thấy đủ lý do: không vui, không tình cảm, mỗi năm có 1 lần, thế là vẫn tổ chức liên hoan, khi liên hoan thì cao hứng gọi thêm bia rượu.

xe dua don nguoi say

Trong ngành cũng đã xảy ra trường hợp cả công nhân lẫn cán bộ bị tai nạn giao thông sau khi sử dụng bia rượu, vì vậy hơn ai hết cán bộ CNVC – LĐ VRG nên tích cực hưởng ứng nghị định này. Mỗi cá nhân phải biết từ chối rượu bia vì còn phải lái xe, nếu uống thì có điều kiện đi xe ôm về. Người lao động cần hạn chế, nếu uống thì có vợ chở về nếu cùng đơn vị, hoặc kết bạn kẻ uống người lái đổi nhau cho an toàn, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức để phù hợp với thực tiễn giao thông của đất nước, triệt để thực thi Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Như vậy tính tích cực của NĐ 100/2019 đã rõ, toàn thể CB.CNVC – LĐ trong ngành cao su cần có những biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở cùng nhau nghiêm túc thực hiện. Mong các anh cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tránh kiểu “cưa đôi” rồi lại “đầu voi đuôi chuột”, như vậy chắc chắn sẽ giảm đi những nỗi đau tột cùng do tai nạn giao thông mà hậu quả xuất phát từ rượu bia.

MINH ANH